Để có tiền cho cuộc tìm kiếm ấy, chị đã phải lang bạt làm thuê trên khắp những nẻo đường anh đã đi qua thời đánh giặc...
Ngôi nhà chị Trần Thị Kim Chính, ở Nghĩa Hưng (Nam Định) nhỏ xíu, chông chênh ngay sát sông Ninh Cơ vắng ngắt. Chị tất tả với gánh rau ngoài chợ. Mẹ chồng chị bảo: “Sáng nào nó cũng dậy từ nửa đêm. Lọ mọ ngoài vườn chán rồi gánh rau đi! Lam lũ chẳng khác nào thân vạc!”. Chị về, vội vàng, tất tưởi như kẻ chạy mưa.
Chị Chính đang đọc lại lá thư chồng. Ảnh: GĐ&XH. |
Chị kể, chị kết hôn với anh Nguyễn Xuân Hưởng năm 1964. Năm 1965, khi cô con gái chào đời, anh lên đường nhập ngũ.
Năm 1966, anh hy sinh tại Bình Phước. Bặt tin chồng, chị nghĩ anh gặp chuyện chẳng lành. Thế nhưng, nỗi nhớ thương ăm ắp, chị vẫn biên thư đều đặn, hy vọng anh về như lời hứa trước lúc lên đường. Năm 1971, giấy báo tử về. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng chị vẫn thấy đất trời chao đảo. Suốt mấy tháng trời, chị thẫn thờ, ngẩn ngơ.
Mẹ chồng chị cũng đã nhiều lần khuyên nhủ: “Con nên đi bước nữa cho cửa nhà bớt phần cô quạnh!”. Chị lẳng lặng chối từ.
Ý nghĩ phải tìm bằng được phần mộ anh đưa về quê hương đã choán hết tâm tư của chị. Giữa những năm 1980, chị xin thôi nghề dạy học, về nhà làm kinh tế những mong dành dụm chút vốn cho hành trình tìm mộ chồng.
Thân vạc nơi đất khách
Năm 1999, ăn Tết xong, bán tất cả gà lợn, cùng số tiền chiu chắt bấy lâu, với gần 6 triệu đồng trong túi, chị lên đường.
Qua một người đồng đội cũ, chị biết chồng mình nằm xuống tại tỉnh Bình Phước. Chị bắt xe khách vào TP HCM, đi khắp các nghĩa trang như Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đốp... Thế nhưng, mỏi mắt kiếm tìm trên tất cả bia mộ, tên anh vẫn không xuất hiện.
Suốt một tháng trời long đong tìm kiếm, số tiền chị mang theo đã vơi quá nửa, không có manh mối nào sáng sủa, chị đành quay lại Sài Gòn với hy vọng sẽ tìm lại được những người từng là chỉ huy của anh thuở trước. Về Sài Gòn, chị ở nhờ nhà một người em họ ở Hóc Môn.
Trong những ngày chờ đợi ấy, sợ tiêu lạm vào phần tiền còn lại, chị đã giấu cô em họ, đi bóc hành thuê cho một cửa hàng bánh cuốn và tìm thông tin về chồng qua những người bạn cùng chiến đấu, cùng quân đoàn.
Khi có manh mối, chị chia tay với nghề bóc hành thuê, vòng lên Phước Long. Đi theo “sơ đồ” người chỉ huy gặp ở Sài Gòn, chị lại một lần nữa thất vọng. Quyết định ở lại Đắc Ơ, chị nghĩ, cứ ở đây lân la dò hỏi, thế nào cũng có người biết mà chỉ đường giúp chị. Vậy là, nhờ sự tốt bụng của ông chủ tịch xã, chị xin lưu lại ở ngay nhà ông.
Để có thêm “vốn liếng” cho hành trình của mình, những ngày không đi vào rừng tìm kiếm, chị đi làm thuê cho các gia đình trồng nhiều hoa màu trong xã. Mỗi ngày đi làm cỏ cà phê, hay đi thu hoạch hạt tiêu... họ đều trả chị 20 nghìn đồng tiền công. Buổi tối, hay những hôm trời mưa, chị lại đứng lớp dạy học cho bọn trẻ con trong xã. Gặp bất cứ ai, chị cũng đều hỏi về nơi mình đang tìm kiếm.
Ở Đắc Ơ được hơn 7 tháng, một buổi đi làm rẫy, tình cờ chị gặp người đàn ông cao lớn lênh khênh tên là Ba Rui, hơn 70 tuổi, người X’tiêng. Ba Rui trước đây là giao liên và đã một lần vào khu đồi, nơi chồng chị hy sinh.
Nhờ sự chỉ đường của người đàn ông dân tộc, chị đã cùng dân quân xã, bộ đội biên phòng lội rừng vào tìm kiếm. Trèo đèo lội suối mất 2 ngày trời, hết lương thực, cả đoàn đành phải quay ra. Lần thứ hai, chuẩn bị thêm lương khô, cả đoàn quay lại.
Chị kể, vòng vèo trong rừng đến ngày thứ ba thì dấu tích nơi chồng chị đóng quân thuở trước đã xuất hiện. Đó là những vệt đường mòn và hầm chữ A không còn nguyên vẹn. Thế nhưng, quần thảo khắp những nơi... nghi vấn ấy, chị vẫn không thấy dấu hiệu nơi anh và đồng đội của mình được chôn cất.
Sang đến ngày thứ năm thì sự mệt mỏi, thất vọng đã làm mọi người chán nản. Thế nhưng, khi sự tuyệt vọng lên tới đỉnh điểm chị phát hiện ra một điều thú vị. Trưa ấy, cả đoàn ngồi ăn cơm trên một bãi đất phẳng phiu. Đang ăn chị bỗng giật mình khi thấy ngay trước mắt mình có một khu đất gồ ghề, nhưng lại có những hòn đá tảng xếp vuông góc với nhau hệt như người ta kê chân giường.
Tìm kiếm thêm xung quanh thì suy đoán của chị hoàn toàn có cơ sở. Trong một lùm cỏ gần đó, có một bia đá ghi tên phần mộ của một liệt sĩ quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình.
Ngay hôm đó, sau khi làm lễ và được sự đồng ý của mọi người, chị đã khai quật phần đất nằm ở phiến đá ngoài cùng. Thế nhưng, đào sâu đến quá đầu người, chị chỉ tìm được duy nhất một chân dép cao su. Không biết đích xác chồng mình nằm ở vị trí nào nên sang đến ngày thứ bảy, chị và cả đoàn đành rút ra.
Tết âm lịch năm 2000, chị rời Đắc Ơ về lại Sài Gòn. Suốt mấy tháng ở Đắc Ơ, thuê xe ôm đi ngang đi dọc, kinh phí tích cóp cũng đã vơi cạn phần nhiều. Chị quyết định đi làm để gom góp thêm tiền. Vậy là mấy tháng ở Sài Gòn, chị đi làm ôsin cho mấy nhà neo người quanh xóm...
Đến bây giờ, chị vẫn chưa rõ phần mộ của chồng mình. Mấy năm nay chị ốm đau luôn. Thế nhưng, với gánh rau, chị vẫn tích cóp để có tiền vào lại đồi Quân y lần nữa. Dù chưa biết bao giờ những đồng tiền còm cõi ấy đủ cho một chuyến đi, nhưng chị bảo, nếu không thấy mộ anh, có lẽ khi chết chị sẽ không thể nào nhắm mắt.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)