Trước ngày giải phóng 10/10/1954, nguồn điện ở Hà Nội chủ yếu phục vụ khu phố
người Pháp. Việc chính quyền tiếp quản nhà máy điện là cột mốc quan trọng,
đánh dấu lần đầu làm chủ ánh sáng của quân và dân Thủ đô.
Trong nhiều ký ức dần mờ nhạt, bà Mậu 90 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhớ khát khao của những đứa trẻ như mình khi thấy đèn điện trên các con phố lớn. Bà kể, trước năm 1954, nhà dân bình thường chỉ có ánh sáng heo hắt phát ra từ những chiếc đèn, sử dụng dầu ép từ lạc và vừng. Điện khi đó chủ yếu cung cấp cho tòa đốc lý, ngân hàng, bưu điện, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, nhà riêng các quan chức. Mỗi lần đi qua Nhà máy đèn Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng, bà Mậu vẫn thường liên tưởng đến "đầu não cung cấp ánh sáng cho những nơi cực kỳ xa hoa".
Cùng ký ức như bà Mậu, với nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết điện là thứ rất hiếm. Ngày ấy, chỉ cần nhìn vào số lượng bóng đèn, có thể đánh giá mức độ giàu có của gia đình. Những nhà có điều kiện thường có nhiều bóng đèn và thiết bị sử dụng điện như quạt marelii hoặc quạt tai voi của Liên Xô.
Người dân Thủ đô biết đến ánh đèn điện lần đầu vào ngày 5/1/1895, khi toàn quyền người Pháp De Lanessan cho chạy thử một máy phát để lấy điện chiếu đèn pha lên trời. Vệt sáng thẳng đứng trong bóng đêm khiến người dân Hà Nội kinh ngạc. Đó là kết quả sau gần một năm nhà máy đèn Bờ Hồ được thực dân Pháp khởi công xây dựng trên khu đất dài 65 m, rộng 45 m ở phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Năm 1897, dân số Hà Nội chỉ có khoảng 30.000 người, công suất ban đầu của nhà máy đèn Bờ Hồ là 300 mã lực nên điện chủ yếu cung cấp cho đốc lý, ngân hàng, bưu điện, Phủ Thống sứ Bắc kỳ, nhà riêng các quan chức. Tính đến ngày 1/1/1897, thành phố có 55 đèn đường hồ quang, 584 đèn dầu hoả ở một phần khu phố cổ và ngoại thành.
Năm 1902, nhà máy đèn Bờ Hồ có hai tổ máy phát điện một chiều, với công suất 500 kW chỉ thắp được 523 ngọn đèn điện cho khu phố người Pháp và phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình họ. Còn ở khu phố người Việt Nam phải thắp 584 đèn dầu hoả. Chiều chiều, những người phu đi rót dầu vào các trụ để thắp sáng qua đêm.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) do tình hình kinh tế ở Hà Nội phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng điện của cả người Pháp lẫn người Việt tăng lên nhiều nên chính quyền Pháp phải đặt mua thêm máy điện công suất 1.000 kW. Năm 1930-1931, Hà Nội xây thêm Nhà máy điện Yên Phụ để cung cấp điện cho nội đô.
Các cột điện thời kỳ này cũng được lắp nhiều lên để phục vụ các tuyến tàu điện của Hà Nội (Bưởi - Bạch Mai, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ). Các đường phố lớn cũng thay đèn dầu bằng đèn điện. Lúc này, điện chủ yếu vẫn phục vụ công sở, khách sạn, Nhà hát Lớn và 2.665 người Pháp dân sự sống ở phía Đông, phía Tây Hồ Gươm. Sau khi nhà máy nâng công suất lần thứ ba mới đủ cung cấp cho 120.000 người Việt Nam. Tuy nhiên đó là thứ ánh sáng của sự áp bức, bóc lột.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của hội nghị Geneve, quân giải phóng lên kế hoạch tiếp quản Thủ đô. Ông Nguyễn Văn An (nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ 2001-2006) – công nhân nhà máy Đèn Bờ Hồ lúc bấy giờ kể lại:
Sau khi thua trên mọi mặt trận, Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ kỹ thuật… biến Hà Nội thành một thành phố không điện, không nước. Người Pháp muốn chứng minh Chính phủ cách mạng về, Hà Nội sẽ tối, mọi việc lộn xộn, đời sống không bảo đảm.
"Những ngày giao thời, an ninh trật tự rất quan trọng. Bởi bọn chống đối, cướp bóc luôn lợi dụng tình huống giao thời để làm loạn. Không những thế, ánh sáng còn đi liền với sản xuất", ông An nói.
Chính vì vậy công nhân nhà máy đã thực hiện đấu tranh bằng hòa bình, bất bạo động theo Hiệp định Geneve. Họ tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta. Riêng trong ngày 25/7/1954, 60% công nhân ký vào đơn gửi lên chủ Nhà máy đòi không được di chuyển máy móc.
Đội tự vệ 30 người được thành lập. Hàng ngày, họ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển thiết bị và hồ sơ, tài liệu.
Sau cả tháng trời không có động tĩnh, đêm 8/10/1954, giới chủ Pháp giở trò, hòng lấy đi tất cả hồ sơ, tài liệu của nhà máy Đèn Bờ Hồ. Ông Nguyễn Văn An khi đó nhận nhiệm vụ canh giữ tài liệu, tức tốc chạy từ nhà máy Đèn (nay là trụ sở EVNHANOI ở đường Đinh Tiên Hoàng) sang bên kia đường Lý Thái Tổ - nơi đặt cơ sở quản lý báo thủ trưởng.
Sau khi lấy được tài liệu, chủ nhà máy nhảy lên xe định chạy. Toàn bộ công nhân nhà máy ào ra chặn đầu xe. Không khí căng thẳng nhưng họ không bạo động, la hét, kiên cường đứng trước mũi súng bọn lính lê dương, đợi tổ giám sát quốc tế bởi Hiệp định Geneve đã quy định rõ các cơ sở vật chất, hồ sơ và tài liệu liên quan đến hành chính và quân sự phải được bảo toàn khi chuyển giao.
Sáng 9/10/1954, tổ giám sát quốc tế đến, đại diện Việt Nam trình bày diễn biến sự việc, Pháp chịu thua. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu, máy móc được bảo toàn, nguyên vẹn về tay chính quyền cách mạng.
Sáng 10/10/1954, người dân Thủ đô lần đầu tiên được làm chủ ánh sáng. Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý điều hành hoạt động các cơ sở điện lực đã đi vào nền nếp. Phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ góp phần đảm bảo giữ vững an ninh trật tự cũng như nhịp sống của nhân dân Thủ đô.
Với sự vận hành của 716 cán bộ, công nhân viên, điện thương phẩm năm 1954 đạt 17,2 triệu kWh. Nhà máy điện Hà Nội thực hiện tiết kiệm than, hạ giá thành sản xuất, giữ vững dòng điện liên tục, phục vụ sinh hoạt của Thủ đô và sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam. Công nhân viên chức ở xưởng cũng nghiên cứu và tự sửa chữa nhiều chi tiết máy phức tạp.
Trong thời kỳ khôi phục kinh tế và thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (1954-1960) nhà máy Điện Hà Nội hoàn thành hai công trình quan trọng: xây mới hai lò hơi do Ba Lan giúp đỡ tại xưởng phát điện Yên Phụ, đưa công suất phát điện của xưởng trở lại công suất phát điện theo thiết kế. Nhà máy cũng khôi phục toàn bộ các đường dây 35kV - xương sống của hệ thống điện miền Bắc lúc bấy giờ.
Sản lượng điện của Nhà máy điện Hà Nội năm 1960 đạt 89 triệu kWh, tăng 91% so với năm 1957 và bằng sản lượng điện của ba năm trước đó cộng lại.
Hà Nội không phải là nơi đầu tiên ở nước ta có điện nhưng sự kiện giải phóng Thủ đô là bước quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện sau này. “Chúng ta giữ được thiết bị, tài liệu, giữ được cả bộ máy đã khẳng định khả năng làm chủ dòng điện. Nhân dân Hà Nội có điện có nước, sản xuất ổn định, cách mạng có điều kiện để tiếp tục phát triển”, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá.
Nội dung: Thanh Lan - Nguyễn Huyền
Thiết kế: Thái Hưng - Quốc Tuấn