Vi khuẩn H.Pylori được 2 giáo sư Robin Warren và Barry Marshall thuộc Đại học Western (Australia) phát hiện năm 1982, mở đầu cuộc cách mạng trong lĩnh vực điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày.
Giáo sư Barry Marshall cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận H.Pylori là nguyên nhân số một gây ung thư dạ dày trên người. Khoảng 70-90% số người nhiễm vi khuẩn này có nguy cơ ung thư dạ dày cao. Ở Việt Nam, rất nhiều người già mắc bệnh này mà một trong những nguyên nhân quan trọng là họ đã nhiễm H.Pylori khi còn trẻ. Vì thế, việc phát hiện vi khuẩn trong cơ thể cần tiến hành càng sớm càng tốt.
Có thể phát hiện sớm H.Pylori bằng phương pháp cổ điển là xét nghiệm máu hoặc nội soi. Tuy nhiên, việc xét nghiệm máu hoàn toàn không phân biệt được là mới nhiễm hay đã nhiễm từ lâu. Còn phương pháp nội soi lại có thể làm lây lan vi khuẩn nếu dụng cụ không được tiệt trùng cẩn thận. Hơn nữa, kết quả nội soi chỉ có sau ít nhất 20 phút, rất dễ xảy ra âm tính hoặc dương tính giả nên thiếu chính xác.
Gần đây, một số nước như Mỹ, Singapore , Malaysia, Đức, Nhật... đã áp dụng phương pháp chẩn đoán nhiễm H.Pylori qua xét nghiệm hơi thở - gọi là PYtest. Test này cho kết quả trong 15 phút, cũng thường được sử dụng để kiểm chứng kết quả điều trị sau một thời gian dùng thuốc. Độ nhạy của nó là 90-100%. Tại Nhật, sau 10 năm áp dụng cách chẩn đoán này để điều trị sớm, tỷ lệ nhiễm H.Pylori trong dân số đã giảm từ 80% xuống còn 50%. Còn ở Australia, PYtest đã được dùng thường quy để kiểm tra sức khoẻ. Bệnh nhân phải uống 1 loại thuốc, chờ khoảng 10 phút rồi lấy hơi thổi vào 1 bong bóng.
Từ tháng 8 năm nay, PYtest đã được sử dụng ở Phòng khám xét nghiệm chẩn đoán y khoa UÁc (ACPD) - 38 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP HCM. Đến nay, đã có khoảng 250 bệnh nhân có triệu chứng ăn khó tiêu, ợ chua, hơi thở hôi... được xét nghiệm phát hiện bệnh bằng phương pháp này. Kết quả cho thấy, 60% trường hợp nhiễm vi khuẩn H.Pylori.
(Theo Lao Động)