Khi chưa có thuốc hay vaccine, xét nghiệm là phương tiện hàng đầu để chống Covid-19. Ngoài phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR, xét nghiệm kháng thể, Việt Nam còn bổ sung thêm phương pháp mới là GeneXpert, cũng là RT-PCR nhưng tốc độ nhanh, chính xác và tự động nhiều hơn nhờ quy trình tách chiết, pha trộn đến phân tích mẫu.
Dự kiến ngày 15/8, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nhập 16.000 test từ Thụy Điển để sử dụng cho hệ thống GeneXpert.
Bộ Y tế cho phép thực hiện phương pháp gộp mẫu thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện nCoV, hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong. Các chuyên gia cũng cho rằng việc xét nghiệm sàng lọc không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà các địa phương khác cũng cần triển khai, kiểm soát chặt trường hợp nghi nhiễm.
Cả nước hiện có 118 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm nCoV. Trước đó, 66 đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19. Từ ngày 10/8, Bộ Y tế bổ sung thêm một đơn vị miền Bắc và ba đơn vị miền Trung. Cụ thể :
Miền Bắc: Chi cục Thú Y vùng III.
Miền Trung: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam; Bệnh viện 199 - Bộ Công an; Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng.
Bộ Y tế đảm bảo chuẩn bị đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới của Covid-19.
Từ đầu dịch, Việt Nam ghi nhận 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, không lây lan cộng đồng từ nhóm này.
Từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 405 ca lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng.
Hơn 134.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 5.600 người, tại cơ sở tập trung hơn 24.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thùy An