Thứ bảy, 16/11/2024
Thứ sáu, 8/4/2016, 07:22 (GMT+7)

7 viễn cảnh diệt vong của Trái Đất

Sự sống trên Trái Đất có thể sẽ chấm dứt sau hàng tỷ năm, nhưng tùy vào những biến động vật lý thiên văn, thời điểm tận thế có thể là ngày mai hoặc bất cứ lúc nào khác.

Trái Đất có thể duy trì sự sống dựa trên sự cân bằng vô cùng tinh tế giữa nhiều yếu tố khác nhau như bầu khí quyển, khoảng cách tới Mặt Trời, và vô số điều kiện tuyệt vời khác. Tuy nhiên, một ngày nào đó Trái Đất có thể không còn thích hợp cho sự sống phát triển, theo Business Insider. Ảnh: Vadim Sadovsky.

Lớp vỏ từ trường biến mất

Trái Đất được chia làm nhiều lớp, trong đó lớp lõi trong cùng ở dạng vật chất nóng chảy. Lõi này tạo ra một lớp vỏ từ trường bảo vệ Trái Đất. Khi Trái Đất quay, lớp vỏ từ trường này cuốn theo một quả cầu gồm các hạt kim loại nóng chảy như sắt và nickel, tạo thành máy phát điện khổng lồ. Lớp vỏ này sẽ bảo vệ Trái Đất khỏi những cơn bão mang các hạt năng lượng cao từ Mặt Trời, làm chúng đổi hướng, thay đổi hình dạng và kích thước.

Nếu lớp lõi của Trái Đất nguội đi, lớp vỏ từ trường sẽ biến mất, và toàn bộ khí quyển mang oxy của chúng ta sẽ bị những cơn bão từ Mặt Trời thổi bay. Cuối cùng, Trái Đất sẽ giống như sao Hỏa, nơi hàng tỷ năm trước cũng có nước và lớp khí quyển dày, trở thành một ngôi sao nguội lạnh không còn sự sống như hiện nay. Ảnh: NASA.

Mặt Trời nguội dần và nở rộng

Mặt Trời và vị trí tương đối của nó đối với Trái Đất là một trong những điều kiện quan trọng cho sự sống phát triển. Nhưng Mặt Trời là một ngôi sao và sẽ tàn lụi khi đốt cháy toàn bộ năng lượng. Hiện nay, Mặt Trời đang ở giữa chu kỳ sống của nó, tạo ra heli từ hydro một cách ổn định thông qua các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Khoảng vài tỷ năm nữa, nguồn nhiên liệu hydro sẽ hết, và Mặt Trời sẽ đốt cháy nốt helium. Đây là phản ứng với năng lượng cao hơn, khiến lớp vỏ của Mặt Trời nở rộng, kéo Trái Đất về phía nó. Kết quả là Trái đất sẽ bị thiêu cháy và bốc hơi, hoặc Trái Đất sẽ bật khỏi quỹ đạo hoàn hảo hiện nay, trôi dạt về một nơi xa lạ và chết. Ảnh: NASA.

Va chạm với hành tinh lạ

Những hành tinh lang thang đầy rẫy trong vũ trụ. Chúng liên tục bị đẩy khỏi quỹ đạo vốn có trong quá trình hình thành và phát triển. Theo ước tính gần đây, số lượng những hành tinh lang thang nhiều gấp 100.000 lần so với số lượng các ngôi sao trong dải Ngân Hà. Một trong số những hành tinh lang thang có thể lọt vào hệ Mặt Trời, làm thay đổi quỹ đạo Trái Đất, thậm chí đẩy chúng ta ra khỏi hệ Mặt Trời. Chúng thậm chí có thể hủy diệt Trái Đất chỉ sau một cú va chạm. Điều này đã từng xảy ra cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, khi một hành tinh nhỏ va chạm với hành tinh lớn trong hệ Mặt Trời, tạo thành Trái Đất và Mặt Trăng ngày nay. Ảnh: NASA.

Va chạm với thiên thạch

Thực tế, loài khủng long bị hủy diệt bởi một thiên thạch khổng lồ và một trận mưa thiên thạch hoàn toàn có thể quét sạch sự sống trên Trái Đất. Những dấu vết còn sót lại cho thấy Trái Đất từng trải qua sự tàn phá nặng nề của những cơn mưa thiên thạch cách đây hàng trăm triệu năm. Các hóa thạch cho thấy đại dương bị đốt nóng trong suốt một năm trời, nhiệt độ không khí lên tới 480 độ C trong nhiều tuần lễ. Trong tất cả sự sống ở dạng đơn bào tại thời điểm đó, chỉ những sinh vật chịu nhiệt tốt nhất có thể tồn tại. Ngày nay, sự đa dạng sinh học không cho phép nhiều loài có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt như trên và hầu hết sẽ bị hủy diệt. Ảnh: Vadim Sadovski.

Trái Đất bị hút bởi hố đen

Hố đen đáng sợ như chính tên gọi của nó. Chúng ta thực sự không biết nhiều về nó, ngoại trừ thông tin hố đen có mật độ khối lượng lớn đến nỗi ánh sáng cũng không thể thoát khỏi nó. Các nhà khoa học cho rằng có những hố đen tự do đang di chuyển ngoài không gian và rất có thể một ngày nào đó, chúng sẽ đến hệ Mặt Trời. Hai kịch bản có thể xảy ra khi Trái Đất đi qua chân trời sự kiện của hố đen. Phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng khi đó, các nguyên tử sẽ bị kéo rời và mọi vật chất tan biến thành tro bụi. Một số nhà khoa học lạc quan hơn cho rằng Trái Đất sẽ bị hút vào một vùng không gian - thời gian khác và trở ra ở một vũ trụ hoàn toàn mới. Ảnh: NASA.

Trái Đất bị hủy diệt bởi vụ nổ tia gamma

Các vụ nổ gamma là hiện tượng năng lượng kỹ vĩ nhất trong vũ trụ. Những ngôi sao khổng lồ thường co lại khi chúng chết và trong một giây phút ngắn ngủi, chúng sẽ phát ra chùm năng lượng nhiều hơn năng lượng trong suốt thời gian sống của Mặt Trời cộng lại. Chùm năng lượng này có thể phá vỡ tầng ozone của Trái Đất, làm toàn bộ bầu khí quyển ngập chìm trong tia tử ngoại, và khiến Trái Đất lạnh đi nhanh chóng. Một chùm tia gamma từng gây ra cuộc tuyệt chủng trên Trái Đất cách đây 440 triệu năm. Ảnh: NASA.

Ngày tận thế của vũ trụ

Trái Đất và tất cả các hành tinh khác có thể bị hủy diệt bởi ngày tận thế của vũ trụ. Một số nhà khoa học cho rằng, năng lượng tối đang đẩy vũ trụ mở rộng ra mỗi ngày với tốc độ ngày càng nhanh. Nếu sự mở rộng này vẫn tiếp tục thì 22 tỷ năm tới, lực giữa các nguyên tử sẽ bị suy yếu tới mức chúng không thể gắn kết với nhau nữa. Khi đó, vật chất không còn tồn tại và tất cả sẽ chuyển hóa thành bức xạ trong không gian. Nếu may mắn, một số vi khuẩn sẽ sống sót và gieo mầm sống lại từ đầu. Trường hợp xấu hơn, lịch sử tồn tại của sự sống sẽ vĩnh viễn biến mất. Ảnh: NASA.

Thanh Tùng