Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 3/3/2021, 14:23 (GMT+7)

7 vấn đề của các cặp đôi khi chung giường

Vợ chồng ngủ chung không chỉ mang lại cảm giác an toàn, gắn kết mà còn có những lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, việc này cũng có một số vấn đề phiền toái

Giành nhau một chiếc chăn

Cuộn chăn khi ngủ là thói quen vô thức của nhiều người. Việc này có thể có tác động xấu đến giấc ngủ của cả hai, vì thế giải pháp thích hợp là một chiếc giường lớn và hai chiếc chăn riêng biệt.

Ngáy

Ngáy không phải là một vấn đề lớn, dù trong một số trường hợp xấu, nó có thể là một triệu chứng của một vấn đề về sức khỏe. Ngáy gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả hai bên, khiến người ngủ ngáy bị đau đầu, mệt mỏi, trong khi nửa kia bị mất ngủ.

Giải pháp ngắn hạn cho vấn đề này là bạn nên khuyến khích người kia thay đổi tư thế ngủ, với phần đầu nâng cao lên. Bạn cũng có thể sử dụng nút che tai nhằm giảm tiếng ồn từ tiếng ngáy. Ngoài ra, nên giữ khoảng cách giữa hai người khi ngủ, nếu cần.

Về giải pháp lâu dài, bạn nên khuyến khích bạn đời thay đổi lối sống, tránh rượu bia, hút thuốc - thứ có thể khiến tiếng ngáy to hơn. Nếu tiếng ngáy gây ồn quá mức, bạn nên giục bạn đời đi gặp bác sĩ.

Thân nhiệt khác nhau

19°C đến 20,5°C được coi là nhiệt độ tối ưu cho hầu hết mọi người khi ngủ, nhưng đôi khi có thể thay đổi một chút. Với nhiệt độ môi trường không thoải mái, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ, thậm chí có thể khó ngủ.

Giải pháp cho vấn đề này là bạn nên mua quần áo phù hợp với thân nhiệt. Nếu bạn thấy lạnh hơn nửa kia, hãy mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn. Còn nếu bạn hay "nóng trong" thì nên mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt hơn khi lên giường ngủ.

Thức dậy lúc nửa đêm

Việc đột nhiên thức dậy lúc nửa đêm rồi trằn trọc không ngủ được, trong khi nửa kia vẫn ngủ say là điều không hiếm. Nhưng nếu điều đó xảy ra thường xuyên, bạn cần lịch sự với đối tác.

Giải pháp ngắn hạn là bạn nên ra khỏi giường vào một phòng riêng, làm điều gì đó giúp tĩnh tâm cho đến khi buồn ngủ trở lại. Đừng nằm cạnh bạn đời và liên tục xoay trở.

Về lâu dài, bạn cần cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Hãy làm cho phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh và không khí trong lành. Ngừng sử dụng máy tính, điện thoại sát giờ đi ngủ. Bạn cũng không nên những thứ có chất caffeine trước khi đi ngủ. Tạo lập một thói quen đi đi ngủ vào một giờ nhất quán là giải pháp khá hữu hiệu.

Đổ mồ hôi

Giải pháp cho việc này là bạn nên tạo môi trường ngủ thoáng đãng, lựa chọn thiết kế giường rộng rãi. Nên mua tấm nệm có đặc tính làm mát và sử dụng quần áo, khăn trải giường thoáng khí, chẳng hạn chất liệu vải lanh. Trong trường hợp bạn liên tục đổ mồ hôi vào ban đêm thì đó có thể là do một căn bệnh nào đó, tốt nhất là bạn nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám.

Chu kỳ ngủ xung đột

Đây được gọi là cuộc chiến "chim ban mai và cú đêm". Tất cả chúng ta đều có đồng hồ sinh học của riêng mình, đồng hồ này thiết lập giờ ngủ của mỗi người là khác nhau. Thêm vào đó, giờ ngủ cũng có thể thay đổi khi tuổi tác thay đổi.

Nếu bạn nhận ra rằng bạn và đối tác có nhịp sinh học trái ngược nhau, điều quan trọng là phải tuân theo lịch trình ngủ của riêng bạn và sinh hoạt theo lịch trình đó.

Giải pháp cho vấn đề này là mỗi người nên đi ngủ vào những thời điểm khác nhau. Ngoài ra, ánh sáng cũng có thể giúp thay đổi lịch trình giấc ngủ một chút. Cơ thể của bạn bắt đầu sản xuất một hormone giấc ngủ - được gọi là melatonin - khi trời tối, và dừng lại khi trời sáng dần, cho chúng ta biết đã đến lúc phải thức dậy. Vì vậy, tiếp xúc với ánh sáng chói vào buổi sáng và tiếp xúc với ánh sáng kém vào buổi tối có thể giúp các "cú đêm" thay đổi thời gian thức của mình.

Trẻ em ngủ chung

Việc ngủ chung giường với bạn đời trở nên phức tạp hơn khi có thêm em bé. Bạn có thể đột nhiên bị đánh thức, giấc ngủ bị gián đoạn, nằm không thoải mái do trẻ chiếm bớt không gian.

Cách giải quyết tốt nhất là cho trẻ ngủ riêng. Khi lớn lên, trẻ càng khó bỏ thói quen này.

Thùy Linh (Theo Brightside)