Cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về thể chất khi mang thai. Để cung cấp năng lượng đủ cho bản thân và thai nhi, mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Thực phẩm dung nạp vào cơ thể là nguồn dinh dưỡng chính vừa tăng thêm năng lượng, dưỡng chất cho mẹ vừa giúp nuôi dưỡng bào thai phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là thai phụ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Các thực phẩm cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi cần bổ sung trong giai đoạn thai kỳ bao gồm:
Trứng
Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào, rất cần thiết trong chế độ ăn uống của mẹ bầu. Các axit amin tạo thành cấu trúc protein là thành phần quan trọng, giúp hình thành nên các tế bào trong cơ thể mẹ và cả ở thai nhi. Trứng chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, bao gồm cả choline, một chất dinh dưỡng quan trọng trong thời kỳ mang thai. Choline góp phần vào sự phát triển não bộ và giúp phòng ngừa những bất thường trong sự phát triển của não và cột sống bào thai.
Cá hồi
Axit béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành não và mắt của thai nhi. Cá hồi được coi là top thực phẩm bổ sung omega-3 dồi dào nhất. Thêm vào đó, cá hồi cũng cung cấp protein và vitamin D, cần thiết cho hệ xương và răng của thai nhi sau này.

Cá hồi chứa Omega-3, cung cấp protein và vitamin D hỗ trợ phát triển trí não và hệ xương, răng của thai nhi. Ảnh: Smile Fish
Không giống với các loại cá gây hại khác, cá hồi (hay cá trích, cá cơm, cá mòi và cá tuyết) có hàm lượng thủy ngân thấp nên bổ sung những loại cá này trong giai đoạn mang thai đều tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Thịt nạc và protein
Thịt bò nạc, thịt lợn và thịt gà là những nguồn cung cấp protein chất lượng tuyệt vời cho mẹ bầu. Thịt bò và thịt lợn cũng giàu sắt, choline và các vitamin B khác, đây đều là những dưỡng rất cần thiết trong giai đoạn mang thai. Sắt là một khoáng chất cần thiết, giúp bổ sung tế bào hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai. Trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, thai phụ sẽ cần thêm chất sắt vì đây là giai đoạn dễ xảy ra thiếu máu khi mang thai. Thai nhi không nhận đủ lượng sắt trong thai kỳ có nguy cơ sinh ra thiếu cân và các biến chứng nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, các loại thịt nguội và xúc xích hay thịt chế biến sẵn thai phụ không nên ăn vì sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập qua đường ăn uống. Điều này vô cùng nguy hiểm sẽ gây bất lợi cho cả mẹ và thai nhi.
Ngũ cốc nguyên hạt
Không giống như các loại ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ, vitamin và cũng chứa một lượng protein tương đối. Đây đều là những dưỡng chất góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Bổ sung yến mạch, gạo lứt, lúa mì và lúa mạch thay vì bánh mì trắng, mì ống và gạo trắng... là những thực phẩm giàu dinh dưỡng cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
Quả mọng
Các loại quả mọng chứa rất nhiều chất như vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa... Đây đều là những loại quả có chỉ số đường huyết tương đối thấp nên không gây ra đột biến lớn về lượng đường trong máu, phòng tránh tiểu đường thai kỳ. Quả mọng cũng là một món ăn nhẹ tuyệt vời vì chúng chứa cả nước, chất xơ, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chứa ít calo. Một số loại quả mọng nên ăn khi mang thai là quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, nho...
Sữa và chế phẩm từ sữa
Trong sữa và chế phẩm từ sữa chứa nhiều protein và canxi. Đây là hai dưỡng chất cần thiết để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Các chế phẩm từ sữa nên bổ sung trong thai kỳ như sữa (sữa nước, sữa bột), pho mát, bơ và sữa chua... Ngoài ra, trong sữa chua còn có vi khuẩn probiotic, giúp duy trì chức năng hệ tiêu hóa.
Khoai lang
Khoai lang có màu cam nhờ carotenoid, sắc tố thực vật được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể chúng ta. Thai nhi cần vitamin A để phát triển xương, phổi, mắt và có làn da khỏe mạnh. Loại củ này cũng là một nguồn cung cấp vitamin C, mangan, vitamin B6 (có thể giúp giảm ốm nghén), kali và chất xơ...
Ngoài thực phẩm, mẹ bầu cũng có thể tham khảo bác sĩ để bổ sung các dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe của mình và thai nhi mà chế độ dinh dưỡng hằng ngày không đáp ứng được.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Baby Center)
