"Điều 112 là điều luật bất công. Tôi không thấy nó có bất kỳ giá trị nào", luật sư nhân quyền và thủ lĩnh biểu tình Arnon Nampa nói với các phóng viên khi đến đồn cảnh sát ở Bangkok hôm nay. "Tôi đã sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống tư pháp".
Điều 112 của Bộ luật hình sự của Thái Lan quy định những ai "phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế, hoặc các quan nhiếp chính" sẽ bị phạt tù với mức án tối đa lên đến 15 năm. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai năm Thái Lan buộc tội ai đó theo điều luật này.
Ngoài Arnon, các thủ lĩnh biểu tình khác cũng đến trình diện gồm Panupong "Mike Rayong" Jadnok, Panusaya "Rung" Sithijirawattanakul và Parit "Penguin" Chiwarak. Tổng cộng 7 thủ lĩnh biểu tình phải đối mặt cáo buộc xúc phạm hoàng gia.
Nhóm này không nói liệu họ có nhận tội. Họ cùng hàng chục người biểu tình khác phải đối mặt với các cáo buộc khác liên quan đến các cuộc biểu tình kể từ tháng 7.
Biểu tình đã trở thành thách thức lớn nhất đối với chế độ quân chủ Thái Lan suốt nhiều thập kỷ khi người biểu tình phá vỡ những điều cấm kỵ bằng cách công khai chỉ trích chế độ quân chủ phải được tôn kính theo hiến pháp. Cung điện Hoàng gia không bình luận từ khi biểu tình bắt đầu. Gần đây khi được hỏi về những người biểu tình, Vua Vajiralongkorn nói rằng họ được yêu mến "như nhau".
Người biểu tình đã kêu gọi hạn chế quyền lực của nhà vua để ông phải chịu trách nhiệm rõ ràng theo hiến pháp. Họ cũng tìm cách đảo ngược những thay đổi đã cho phép vua quyền kiểm soát tài sản hoàng gia và một số đơn vị quân đội.
Những người chỉ trích nói rằng chế độ quân chủ đã tạo điều kiện cho quân đội thống trị hàng thập kỷ. Quân đội Thái Lan đã thực hiện 13 cuộc đảo chính thành công từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt năm 1932.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu chỉ huy quân đội lật đổ chính phủ được bầu vào năm 2014, hồi tháng 7 nói rằng theo yêu cầu của nhà vua, tất cả cáo buộc phỉ báng hoàng gia hiện không được áp dụng.
"Việc sử dụng Điều 112 chống lại chúng tôi cho thế giới và xã hội Thái Lan thấy chế độ quân chủ hiện là phe đối lập chính trị", Parit cáo buộc.
Người biểu tình còn đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, nhưng ông phản bác quan điểm này và khẳng định sẽ tiếp tục tại nhiệm.
Huyền Lê (Theo Reuters)