Theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp:
- Theo yêu cầu của người có tên, mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.
- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.
- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.
- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.
- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người chuyển đổi giới tính.
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Căn cứ vào điều luật trên và pháp luật hiện hành chỉ quy định về các căn cứ để cá nhân được quyền yêu cầu đổi tên, không quy định giới hạn về số lần được thay đổi tên. Do đó, khi có một trong các căn cứ luật định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên.
Câu 2: Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ cho con, thì họ của con không đương nhiên được xác định theo họ của cha.