Không có điểm nhấn
Thiết kế nhà không gian mở thường mắc sai lầm là không có điểm nhấn, khiến không gian trở nên lộn xộn và mờ nhạt, khi mắt người nhìn không bị thu hút bởi bất cứ thứ gì.
Thông thường, sofa được sử dụng như một vật cố định thị giác tự nhiên vì kích thước của chúng lớn trong phòng, nhưng không phải lúc nào cũng nên như vậy. Bạn có thể chọn một tác phẩm nghệ thuật kích thước lớn hoặc sơn màu bức tường cho nổi bật.
Đặc biệt, khi decor nhà, nên lưu ý sự hài hòa màu sắc giữa đồ nội thất, thiết bị... với điểm nhấn thị giác ở trên. Chúng có sự tương đồng về màu sắc, chất liệu, kết cấu hoặc chủ đề không là điều bạn cần lưu tâm.
Không "vạch ranh giới" giữa các khu vực
Nếu một căn hộ thiết kế không gian mở nhưng không xác định ranh giới các khu vực khác nhau như bếp, phòng khách... căn hộ sẽ trở nên rất lộn xộn và vô tổ chức. Điều này không chỉ đơn thuần là yếu tố thị giác. Việc phân định các khu chức năng khác nhau là một cách để tạo ra không gian sống thiết thực. Nó cũng giúp mang lại sự riêng tư cho những khu vực như phòng làm việc, phòng ngủ...
Trong khi việc thiết kế nhà không gian mở hạn chế sử dụng tường, bạn có thể sử dụng thảm, gạch nền khác màu, hoặc xử lý trần, dùng đèn khác loại... để phân biệt không gian.
Ví dụ, bạn đặt bàn ăn hình chữ nhật trong phòng ăn, bàn cafe tròn cho phòng khách, hoặc chọn đèn chùm phong cách cổ điển cho phòng khách, trong khi dùng đèn treo, đèn thả dây... cho phòng ăn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các tấm kính, rèm hay giá đỡ - những sản phẩm này giúp bạn có thể nhìn xuyên qua các khối chức năng khác nhau - trong khi vẫn mang lại sự riêng tư cần thiết.
Quá nhiều phong cách thiết kế nội thất
Áp dụng quá nhiều phong cách nội thất khác nhau cho một không gia mở sẽ không đem lại cảm giác thống nhất về mặt hình ảnh cho căn hộ.
Tốt nhất, bạn nên chọn một phong cách cụ thể và bám lấy nó khi decor nhà. Đương nhiên, sự an toàn này cũng có thể khiến nhà bạn trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán nếu như không có đôi chút sự sáng tạo và hòa trộn phù hợp.
Sử dụng nhiều loại vật liệu sàn khác nhau
Sử dụng các vật liệu lát sàn khác nhau cho các khu vực khác nhau trong một không gian mở có thể ngôi nhà rời rạc.
Việc sử dụng một vật liệu lát sàn duy nhất giúp kết nối các không gian lại với nhau, tạo ra luồng thị giác tốt hơn và đem lại cảm giác rộng rãi. Thêm vào đó, bạn sẽ thấy việc làm sạch sàn dễ hơn.
Trong trường hợp lo lắng về tính thực tế của việc sử dụng một loại vật liệu cho cả sàn, bao gồm sàn bếp, bạn có thể thay thế vật liệu lát sàn phòng bếp (ví dụ thay vì lát gỗ, bạn lát đá).
Chỉ có một nguồn chiếu sáng
Không gian mở có thể là một không gian duy nhất, nhưng tuyệt đối không nên dựa vào một nguồn chiếu sáng duy nhất. Điều này không chỉ khiến nhà bạn thiếu ánh sáng, mà còn làm giảm diện tích nhà bạn.
Cần phải phân nguồn sáng làm các tầng khác nhau. Bạn nên bắt đầu với nguồn sáng chung (đèn mắt trâu xung quanh căn phòng, đèn âm tường... ), sau đó đến đèn chiếu sáng theo điểm (ví dụ đèn hắt cho tranh) để làm nổi bật các ngóc ngách nhất định. Sau đó, có thể thêm đèn bàn, đèn tường, đèn đứng... làm điểm nhấn.
Không tính tới nhu cầu lưu trữ
Bỏ quên nhu cầu lưu trữ là một sai lầm phổ biến với hầu hết các chủ nhà chưa có kinh nghiệm, khi thiết kế nhà không gian mở.
Giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là bạn nên sử dụng đồ nội thất có chức năng kép, ví dụ như ghế sofa có ngăn chứa bên dưới, bàn cafe có ngăn kéo... Bằng cách đó, bạn có không gian lưu trữ đồ, nhưng chúng không bị lộ ra bên ngoài không gian mở.
Không chừa lối đi
Chúng ta thường không lưu ý về lối đi cho đến khi sống trong không gian đó, dù nó là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc tạo ra một căn hộ tiện ích, hiệu quả và đem lại cảm giác thoải mái.
Trong sơ đồ mặt bằng của bạn, hãy thử đánh dấu vị trí các đồ được đặt cố định như vị trí của tivi, bếp, tủ... sau đó đặt các đồ còn lại vào các vị trí, sao cho đảm bảo không gian di chuyển giữa các vị trí, ít nhất là 60-70 cm. Cần đảm bảo đồ đạc không gây ra bất cứ sự cản trở nào cho việc di chuyển, đặc biệt ở các khu vực có kết nối trực tiếp như bếp đến bàn ăn.
Thùy Linh (Theo Asianone)