Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) hiện là bác sĩ gia đình cho CommonSpirit, một trong những tổ chức y tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ. Cô cũng hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên y và là tác giả hai cuốn sách giúp học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh trong khám chữa bệnh.
Cách đây 20 năm, Christina sang Mỹ định cư cùng mẹ và em gái, sau khi bố qua đời trong một tai nạn. Cô mất hơn một năm ở trường trung học để học lại tiếng Anh trước khi được chuyển vào học chung với học sinh bản xứ. Christina còn phải tham gia nhiều lớp tiếng Anh để có thể theo học được phổ thông.
Christina trở thành nhân vật trên tờ Wichita Eagle - tờ báo địa phương lớn nhất ở Wichita, Kansas, Mỹ, sau khi tốt nghiệp thủ khoa phổ thông, giành được nhiều học bổng, trong đó có hai học bổng danh giá là Gates Millenium Scholarship và Dell Scholarship.
Theo Christina, một người giỏi tiếng Anh là phải sử dụng được lưu loát và linh hoạt trong nhiều tình huống, từ cuộc sống hàng ngày đến học tập và công việc. Với kinh nghiệm học tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh thành thạo và sống ở Mỹ lâu năm, nữ bác sĩ gốc Huế chỉ ra 7 sai lầm mà người học ngoại ngữ mắc phải, đồng thời đưa ra cách khắc phục.
1. Học dồn từ vựng mà không sử dụng
Christina từng mua bộ thẻ học từ vựng (flashcard) hơn nghìn từ về học và đặt mục tiêu mỗi ngày học ít nhất 5 từ. Mỗi lần đi đâu thấy các loại sách từ vựng tiếng Anh, cô cũng mua về học.
Tuy bỏ ra rất nhiều công sức, hiệu quả cô thu về không như mong đợi và còn gây chán ghét học từ vựng. Cách học nhồi nhét như vậy khiến cô ngộp thở, còn từ vựng hầu hết chỉ được lưu vào bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory). Một số từ khác được lưu vào bộ nhớ dài hạn (long-term memory) nhưng theo ngày tháng cũng mai một do ít sử dụng. Hơn thế nữa, khi gặp tình huống thực tế, Christina lại lúng túng và sử dụng sai.
"Quan trọng không phải là học được bao nhiêu từ mà là có thể sử dụng tự nhiên và chính xác bao nhiêu", Christina cho biết.
2. Học tiếng Anh để đối phó hay vì một mục đích ngắn hạn nào đó
Lúc còn ở Việt Nam, Christina được học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 8. Điểm số luôn cao, nhưng khi qua Mỹ, cô không giao tiếp được. Hồi học đại học, Christina học thêm tiếng Tây Ban Nha suốt hai năm. Đạt thành tích tốt trong lớp nhưng cô không nói được khi đi tình nguyện tại Cộng hòa Dominica (một nước nói tiếng Tây Ban Nha).
Từ đó, Christina nhận ra ngoại ngữ gắn liền với đời sống, cần xác định gắn bó với nó lâu dài và để nó trở thành một phần cuộc sống.
3. Chưa thực sự cảm nhận tầm quan trọng, ý nghĩa, và mục đích của việc học tiếng Anh
Khi được ba mẹ cho đi học tiếng Anh, Christina chỉ có khái niệm mơ hồ rằng môn này rất quan trọng. Tiếng Anh lúc đó thực sự chưa có nhiều ý nghĩa đối với cô. Mãi đến lúc Christina cùng mẹ và em gái lần mò tìm đường trên sân bay Chicago tại Mỹ, chỉ có thể nói tiếng bồi, Christina mới thấm tiếng Anh quan trọng nhường nào.
4. Học từng kỹ năng riêng lẻ
Lúc mới đến Mỹ, hai kỹ năng kém nhất của Christina là nghe và nói, do khi ở Việt Nam ít luyện tập. Christina thấy học tiếng Anh cũng như đi xe đạp. Để có thể đạp xe trên đường, cô cần kết hợp kỹ năng đạp và giữ thăng bằng. Tương tự, sử dụng tiếng Anh thành thạo đòi hỏi sự phối hợp của các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
"Bạn cần học đều tất cả kỹ năng. Như vậy, các kỹ năng sẽ có thể phát triển cùng lúc và bổ trợ cho nhau", Christina nói.
5. Không tìm thấy niềm vui khi học
Nếu cảm thấy việc học ngoại ngữ như một cực hình, đó là dấu hiệu bạn cần thay đổi. Vì nếu tiếp tục học theo phương pháp hiện tại, bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian, công sức, và tiền bạc.
Thay vào đó, hãy tự đánh giá xem bản thân thích hợp học theo phong cách nào và tự tạo niềm vui khi học thông qua các trò chơi hay hoạt động kết hợp với sở thích vốn có của bản thân.
"Nếu thích xem phim hay nghe nhạc, hãy kết hợp xem phim Mỹ hay nghe nhạc tiếng Anh. Nếu thích nấu ăn, làm bánh, bạn xem video dạy nấu ăn hoặc đọc công thức bằng tiếng Anh", Christina khuyên.
6. Tâm lý sợ sai
Ban đầu, Christina rất ngại phải giao tiếp bằng Anh vì lo người khác không hiểu, sợ bị đánh giá, sợ làm trò cười cho người khác. Lúc viết văn, cô thường xuyên bị tắc ý tưởng vì muốn dùng từ vựng thật chuẩn, thật hay.
"Ngôn ngữ là kỹ năng, phải luyện tập mới giỏi. Nếu sợ sai và né tránh luyện tập, bạn sẽ mãi không khá lên được", Christina cho hay.
7. Đặt nặng việc dịch sang tiếng Việt
Theo Christina, khi nói chuyện với ai bằng tiếng Anh, người đó nói, bạn dịch sang tiếng Việt. Bạn nghĩ ra cách trả lời bằng tiếng Việt, rồi dịch sang tiếng Anh và trả lời bằng tiếng Anh. Bạn đang duy trì hai luồng suy nghĩ song song và liên tục nhảy từ luồng này sang luồng kia.
Quá trình này tốn nhiều thời gian và công sức nhưng không hiệu quả. Nó khiến cho luồng suy nghĩ của bạn bị gián đoạn và phản xạ bị chậm lại trong khi giao tiếp. Ngoài ra, lúc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bạn dễ mắc lỗi hành văn thiếu tự nhiên.
"Ngôn ngữ bắt nguồn từ lịch sử và văn hoá. Vì thế, cách suy nghĩ, cấu trúc hành văn, và lối diễn đạt trong tiếng Việt chắc hẳn sẽ có nhiều điểm khác với tiếng Anh. Bạn hãy tập thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh để có thể sử dụng ngoại ngữ này thành thạo và tự nhiên", Christina chia sẻ.
Bình Minh