![]() |
Ảnh: pharmacy.arizona.edu. |
Sai lầm 1: Chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não
Thực tế: Những ảnh chụp não theo công nghệ MRI và PET đều không cho thấy những vùng im lìm của não, kể cả khi theo dõi từng tế bào hay neuron thì cũng không thấy những vùng bất động nào. Nghiên cứu về quy trình tế bào não xử lý hóa chất cũng không cho thấy những vùng phi chức năng. Quan niệm sai lầm này có thể bắt nguồn từ những kẻ vụ lợi vào đầu những năm 1900 khi cố gắng thuyết phục người khác là họ chưa phát huy hết tiềm năng của mình.
Sai lầm 2: Bạn nên uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày
Thực tế: "Không có bằng chứng y học nào khuyên bạn uống nhiều nước như thế", tiến sĩ Rachel Vreeman tại Đại học Indiana, Mỹ, nói. Quan niệm này có thể bắt nguồn từ một khuyến cáo của Ủy ban dinh dưỡng quốc gia năm 1945 khuyên mọi người nên tiêu thụ một lượng tương đương 8 cốc chất lỏng mỗi ngày. Qua thời gian, chất lỏng chuyển thành nước lọc. Nhưng trái cây, rau củ, cà phê và các món đồ uống khác đều được tính vào.
Sai lầm 3: Móng tay và tóc tiếp tục mọc sau khi chết
Thực tế: Nhiều bác sĩ cũng tin vào điều này. Nhưng nếu suy ngẫm lại, thì điều này là không thể. "Khi da bạn chết đi, các mô mềm, đặc biệt là da, sẽ co lại", Vreeman nói. "Móng tay sẽ nổi lên rõ hơn khi da bị khô đi. Điều tương tự xảy ra với tóc. Vì vậy khi da co lại, tóc trông như mọc dài hơn và móng tay thì trông như nhô lên.
Sai lầm 4: Cạo lông sẽ khiến nó mọc lại nhanh hơn, cứng hơn và đen hơn
Thực tế: Một cuộc thử nghiệm năm 1928 đã so sánh lông mọc ở vùng được cạo và không được cạo. Lông mọc lên ở vùng đã được cạo không hề sẫm hơn hay dày hơn và cũng chẳng mọc lên nhanh hơn. Những nghiên cứu gần đây cũng khẳng định điều đó. Vấn đề là ở chỗ, khi lông mới mọc lại ở chỗ đã được cạo, nó sẽ bị sờn ở đỉnh. Qua thời gian, chỗ sờn đó mòn đi khiến nó trông dày hơn. Lông mới mọc cũng có thể sẫm hơn bởi nó chưa bị tác động bởi ánh nắng mặt trời.
Sai lầm 5: Đọc trong ánh sáng mờ sẽ làm hỏng thị lực
Thực tế: Các nhà nghiên cứu không thấy bằng chứng nào cho thấy đọc sách trong ánh sáng mờ gây tổn hại lâu dài cho mắt. Nó có thể làm mỏi mắt và giảm độ sắc bén tạm thời, nhưng mắt sẽ hồi phục sau khi được nghỉ ngơi.
Sai lầm 6: Ăn thịt gà tây khiến bạn buồn ngủ
Thực tế: Kể cả Vreeman cũng tin điều này cho đến khi đích thân nghiên cứu. Vấn đề là một hóa chất trong thịt gà tây gọi là tryptophan vẫn được biết đến là gây buồn ngủ. Nhưng gà tây không chứa nhiều chất đó hơn gà ta hay thịt bò. Sai lầm này có thể bắt nguồn từ thực tế là gà tây thường được ăn trong lễ hội đi kèm rượu bia, chính những thứ này mới khiến bạn buồn ngủ.
Sai lầm 7: Sử dụng điện thoại di động trong bệnh viện gây nguy hiểm
Thực tế: Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến điện thoại di động được ghi nhận. Những câu chuyện về việc sóng di động gây ảnh hưởng tới các thiết bị trong bệnh viện chỉ là giai thoại. Trong một nghiên cứu, điện thoại di động được tìm thấy là ảnh hưởng tới 4% thiết bị y tế, nhưng chỉ khi chúng ở cách 90 cm so với thiết bị. Ngược lại, khi các bác sĩ dùng điện thoại di động, sự thuận tiện của nó khiến họ tránh được nhiều sai lầm hơn.
M.T. (theo Livescience)