Tại tọa đàm "Cơ hội phục hồi của Du lịch Việt Nam năm 2021 - 2023" diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), các diễn giả là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và đại diện chính quyền địa phương đã cùng nếu ra những phương án thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 cũng như mùa cao điểm du lịch hè.
'Biến' du lịch Việt thành nơi tận hưởng cuộc sống
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV Oil định Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại nhưng trong nguy có cơ, nhiều du khách Việt thay vì đi du lịch nước ngoài chọn các điểm đến trong nước và nhận ra nhiều cảnh đẹp của đất nước. Theo ông, sau Covid-19, lượng khách trong nước sẽ tăng lên vì vậy, để tận dụng cơ hội này, Việt Nam nên có thêm nhiều kỳ nghỉ dài hơn để các gia đình có thể thuận lợi lên kế hoạch đi du lịch.
Thứ hai, đại diện PV Oil cho rằng, sau Covid-19, khi xu hướng của khách du lịch là bên cạnh kiếm tiền, phải tận hưởng cuộc sống, vậy thay vì đưa thông điệp là "vẻ đẹp bất tận", Việt Nam có thể truyền tải hình ảnh là một điểm đến để tận hưởng và tái tạo cuộc sống. Từ người dân đến cán bộ các nơi nên tạo thành chuỗi dịch vụ thân thiện với du khách.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh làm mới sản phẩm cũ, cần phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Ngoài ra, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Tổ chức sự kiện thể thao thu hút du khách
Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tiết lộ trong thời gian tới, liên đoàn sẽ kết hợp với FLC tổ chức nhiều giải đấu mà từ trước tới nay chưa làm được như giải bóng chuyền trên biển. Đó là điều kiện tạo cơ hội cho du lịch vùng biển tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Động lực cho biết hiện tại, nhiều giải đấu quốc tế đã được tổ chức khi vận động viên có visa Covid-19. Ông mong muốn các giải đấu tại Việt Nam cũng hấp dẫn, thu hút vận động viên nước ngoài sang thi đấu. Ông mong muốn liên đoàn bóng đá - bóng chuyền có thể tăng cường trận đấu khi có dịp phù hợp nhằm thu hút du khách từ khắp nơi.
Ông Ngô Mạnh Cường – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) cho biết FPT Online cũng tổ chức những giải marathon thu hút từ 5.000 – 10.000 runner cùng bạn bè. Tại mỗi giải chạy, lượng runner rất đông đảo, chưa kể người thân đi cùng đã giúp lấp đầy khách sạn, các hoạt động tour tuyến của địa phương, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới.
Doanh nghiệp, địa phương nên chủ động hơn
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất quan tâm tới việc kích cầu, phát triển ngành. Về phía FLC, tập đoàn cũng như Bamboo Airways đã triển khai nhiều gói kích cầu trước đó. Tại Thanh Hóa, FLC không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn đóng góp cho địa phương để phát triển du lịch vùng như tổ chức tọa đàm kích cầu, nhạc hội, chuỗi sự kiện - văn hóa thể thao đa dạng...
Trong ngày 10/4 tới, tập đoàn phối hợp Sầm Sơn tổ chức lễ hội hoa quy mô để thu hút du khách. Cũng tại tỉnh này, FLC dự kiến tổ chức giải thể thao như bóng chuyền bãi biển và tiến tới triển khai tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình... Bamboo Airways cũng triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này, xây dựng dịch vụ phù hợp với ngân sách của người dân khi tới địa phương.
Ông cũng kiến nghị 63 tỉnh thành tổ chức tọa đàm kích cầu du lịch để thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để kích cầu du lịch cho địa phương. Mỗi vùng đều góp sức, du lịch Việt Nam sẽ phát triển đồng đều hơn. Theo đó, các lãnh đạo địa phương cần chủ động hơn trong chính sách, tìm kiếm giải pháp kích cầu du lịch. Về phía doanh nghiệp cũng cần cổ vũ, động viên và góp sức xây dựng các buổi hội nghị tìm giải pháp kích cầu để lan tỏa tinh thần này.
Tổ chức các sự kiện truyền thông, tọa đàm
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết trong năm 2020, sau những đợt bùng phát dịch bệnh, Bộ phát động hai chương trình truyền thông là "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Bộ thống nhất tổ chức các sự kiện truyền thông, gặp gỡ báo chí, tọa đàm; thu hút sự đồng lòng tham gia của các ủy ban trong cả nước cũng như cộng đồng cơ quan truyền thông. Cơ quan truyền thông luôn sát cánh, giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược marketing. Hai chương trình được tổ chức đó đã rất thành công và vẫn còn nguyên giá trị tới hiện tại.
Ông Đức chia sẻ có 3 yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công. Thứ nhất là thông điệp, nội dung phù hợp. Thứ hai là sự điều phối, thu hút sự tham gia của các bên như: cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp... để thu hút du khách. Thứ ba là phải xác định thông điệp cụ thể như: điểm đến an toàn, sản phẩm thực sự hấp dẫn...
Còn theo ông Ngô Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online), cần truyền tải nhanh và chuẩn các thông tin du lịch đến với công chúng một cách nhanh nhất. FPT Online đã ra mắt chuyên trang Safe Go về du lịch an toàn để cung cấp thông tin nhanh nhất, giúp doanh nghiệp và địa phương giới thiệu sản phẩm thông tin một cách chân thực đầy đủ. Những điểm đến giới thiệu trên Safe Go đều rất an toàn.
Chú trọng tới sự an toàn, chất lượng dịch vụ và chi phí
Dưới góc độ của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Phó chủ tịch thường trực tập đoàn FLC - bà Hương Trần Kiều Dung đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên "Ngày Du lịch Việt Nam", bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn. Bà Dung cũng cho rằng yếu tố: an toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu.
Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy, cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự trong tập đoàn, nâng cấp, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch. Trong năm 2021, FLC sẽ khai trương thêm ít nhất 3 khu du lịch quy mô lớn tại Việt Nam.
Về mặt chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng, đặc biệt FLC đã tiên phong đưa ra các combo vé máy bay, nghỉ dưỡng và chơi golf được nhiều khách hàng đón nhận. Bamboo Airways cũng mở thêm nhiều đường bay thẳng đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn. Theo bà Dung, năm 2021, Việt Nam cần phải tiếp tục kích cầu du lịch, để người dân sẵn sàng đi du lịch trong nước. Với 100 triệu dân, 30% chưa từng đi du lịch, nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn.
Về mặt an toàn, doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết ngày 23/3, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Thực tế, khi dịch vẫn đang diễn ra, Bộ vẫn chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, duy trình xúc tiến sản phẩm du lịch dưới hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, việc đề xuất phương án đón khách du lịch không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo thêm cạnh tranh điểm đến.
Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Nước ta dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương. Bên cạnh đó, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu du lịch
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đưa ra 3 kiến nghị để phát triển du lịch, từ góc độ trong lĩnh vực đầu tư.
Trước tiên, ông cho rằng, Chính phủ nên giúp các tỉnh thành biết được chính sách dài hạn của ngành du lịch và những mục tiêu cần đạt được trong những năm tới. Theo đó, 63 tỉnh thành tuy có "thực đơn" du lịch quá giống nhau, nhưng vẫn có thể đảm bảo các chính sách riêng nằm trong một tổng thể hài hoà của du lịch quốc gia.
Thứ hai, theo ông, cần phải xác định các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch. Các Bộ, ban, ngành phải nắm được nguyện vọng, hay có chính sách nào đó để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu những lúc khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh thành khi có doanh nghiệp lớn về đầu tư cho du lịch cũng phải có chính sách hậu thuẫn, hỗ trợ kịp thời.
Cuối cùng, đại diện tâp đoàn Phú Thái kiến nghị cần phải tổ chức các cuộc thi sáng kiến phát triển ngành du lịch Việt Nam, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương. Khi có sản phẩm trau chuốt, khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội để hưởng thụ.
Câu lạc bộ doanh nghiệp liên kết nhằm kích cầu du lịch
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow, kiêm Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ, nhận định tại Việt Nam, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần đẩy mạnh du lịch và xem xét mở cửa du lịch quốc tế.
Ông cũng khẳng định du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ngành như lưu trú, dịch vụ... cần tạo mối liên kết chặt chẽ. Theo đó, câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đang triển khai chính sách liên kết chung giữa các doanh nghiệp hành không, lữ hành... để kích cầu du lịch.
Hải My