Đại diện ban tổ chức đánh giá các phim đa dạng về thể loại, từ tâm lý - tình cảm, gia đình, kinh dị đến hành động - sinh tồn. Trong 18 đề cử ở hạng mục điện ảnh, nhiều phim gây chú ý khán giả vì từng là hiện tượng phòng vé hoặc cách khai thác đề tài mới lạ.
Gây sốt khi ra mắt dịp Tết Giáp Thìn, tác phẩm là phim điện ảnh Việt ăn khách nhất từ trước đến nay với 520 tỷ đồng. Kịch bản xoay quanh cuộc sống của nữ chính tên Mai (Phương Anh Đào), một nhân viên massage gần 40 tuổi tình cờ gặp nhạc công Dương (Tuấn Trần) và được anh săn đón. Tự ti bản thân, Mai không đủ dũng khí đón nhận tình cảm của chàng trai kém cô bảy tuổi.
Đạo diễn Trấn Thành được khen tiết chế những cảnh đấu khẩu giữa các nhân vật, lời thoại nhẹ nhàng, kiểm soát tốt nhịp phim. Tác phẩm đoạt giải Phim xuất sắc ở LHP châu Á Đà Nẵng đầu tháng 7, Trấn Thành, Phương Anh Đào lần lượt chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn và Nữ chính.
Phim lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, do nghệ sĩ Phi Tiến Sơn đạo diễn và viết kịch bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Các nhân vật là cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cậu bé đánh giày, người bán phở - những người ở lại khu phố, trong khi tất cả đi sơ tán. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ vẫn lạc quan, giữ tình yêu cuộc sống, con người, cái đẹp. Giữa tháng 2, tác phẩm tạo cơn "sốt" phòng vé, thu về 20,8 tỷ đồng - số doanh thu cao so với nhiều phim đề tài chiến tranh do nhà nước đặt hàng, theo đánh giá của Cục Điện ảnh.
Phim kể về bà Nguyện (Minh Châu đóng) từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế là con culi của người chồng qua đời. Bên cạnh việc đối mặt với quá khứ tưởng như chôn chặt, bà Nguyện lo lắng cho tương lai của người cháu gái, khi cô kết hôn vội vã do lỡ có thai với bạn trai.
Cuối tháng 2, tác phẩm của đạo diễn Phạm Ngọc Lân thắng Phim đầu tay xuất sắc ở LHP Berlin (Đức). Trên trang Universal Cinema, cây bút Bita Habibi viết: "Bằng cách sử dụng ý niệm về thời gian và sự trở về, bộ phim mô tả câu nói 'Không ai tắm hai lần trên một dòng sông' một cách sâu sắc".
Phim do đạo diễn Lưu Thành Luân thực hiện, xoay quanh gia đình làm nghề mổ chó, mỗi thành viên đảm nhận khâu quan trọng ở lò mổ. Vì không muốn nối nghiệp cha, Nam (Quang Tuấn đóng) bỏ quê làm ăn xa. Khi cha - ông Mạnh (Đào Anh Tuấn) - đột ngột qua đời, Nam dẫn bạn gái về quê lo tang sự.
Mở đầu kịch tính khi khai thác đề tài về truyền thuyết linh dị Chó đội nón mê, dù vậy, phim nhận nhiều lời chê về kỹ xảo, cái kết bị bỏ ngỏ không giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra ở phần đầu. Thu về hơn 100 tỷ đồng sau một tháng công chiếu, tác phẩm đạt kỷ lục là phim kinh dị Việt ăn khách nhất, trước khi bị Ma da (Nguyễn Hữu Hoàng đạo diễn) soán ngôi.
Phim xoay quanh Phúc (Anh Tú) - thanh niên mồ côi, sống bấp bênh, đam mê diễn xuất. Sau một sự cố, anh tình cờ trở lại quá khứ - năm 1997, gặp gỡ Huyền (Diệu Nhi) và chuyển đến sống tại xóm trọ của cô. Huyền phát hiện mang bầu song không tiết lộ cha đứa bé, quyết định làm mẹ đơn thân. Suốt thời gian khó khăn, Phúc, nhóm bạn thân và Lê - bà chủ xóm trọ (Lê Giang) trở thành chỗ dựa cho cô. Dù kịch bản thiếu đột phá, dự án đạt doanh thu cao (100 tỷ đồng, tính cả thị trường nước ngoài).
Trong các đề cử, Móng vuốt là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại sinh tồn - đề tài hiếm của màn ảnh Việt. Phim do Thảo Tâm, Tuấn Trần đóng chính, kể về chuyến nghỉ hè của bảy người bạn thân ở khu rừng hoang dã. Trước biển cảnh báo nguy hiểm, nhóm bạn vẫn quyết định lái xe vào đường độc đạo - nơi một con gấu dữ vừa sổng chuồng.
Giữa cuộc vui, các nhân vật bất ngờ bị con vật tấn công. Không sóng điện thoại, họ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Từng người vạch phương án để thoát khỏi "móng vuốt". Được đầu tư phần kỹ xảo, tạo hình, phim thất bại ở phòng vé, doanh thu gần bốn tỷ đồng.
Ra rạp dịp lễ 2/9, tác phẩm của đạo diễn Vũ Thành Vinh gia nhập cuộc đua phút chót. Phim khai thác cuộc sống diêm dân, bối cảnh chính ở ấp đảo Thiềng Liềng (TP HCM). Quyền Linh trở lại màn ảnh rộng sau 20 năm với vai chính - Hai, người người cha mưu sinh bằng nghề làm muối. Cuộc sống khó khăn, nhiều lần gia đình ông rơi vào bế tắc. Khi con gái - Muối (Huỳnh Bảo Ngọc) trưởng thành, lên thành phố học đại học, mâu thuẫn cha con ông Hai dần nổ ra do quan điểm "thoát nghèo" của người con.
Ngoài ra, hạng mục điện ảnh của Cánh Diều 2024 còn có một số phim như: Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường), LIVE - Phát trực tiếp (đạo diễn Khương Ngọc), FANTI (đạo diễn Any Nguyễn), Vầng trăng thơ ấu (đạo diễn Hồ Ngọc Xum). Trong đó, Bà già đi bụi (đạo diễn Trần Chí Thành) là ẩn số khi chưa công chiếu, do Phi Tiến Sơn biên kịch, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Lễ trao giải Cánh Diều (Hội Điện ảnh Việt Nam) sẽ diễn ra tối 10/9 tại Nha Trang (Khánh Hòa), là sự kiện thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Giải ra đời từ năm 2003 đến nay, tôn vinh các phim điện ảnh, truyền hình, phim ngắn, tài liệu, khoa học và công trình nghiên cứu.
Mai Nhật