Bà Hô Thị Thiết, 53 tuổi, cùng con trai, con gái, con dâu, cháu trai và một cháu nội, một cháu ngoại, được đưa đến Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, rạng sáng 13/10. Họ đều nôn ói, tiêu chảy, cơ thể mất nước nặng. Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn nấm vào chiều hôm trước.
Bác sĩ Lâm Thị Bích Hồng, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết các bệnh nhân kiệt sức, choáng nặng cho mất nước. Đến sáng nay, họ đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn nấm rừng khi chưa rõ loại nấm gì, vì nhiều loài có độc tố mạnh, gây tử vong dù chỉ ăn một lượng rất nhỏ. Tùy theo loại nấm mà triệu chứng ngộ độc xuất hiện trước 6 giờ hoặc trong 40 giờ sau khi ăn. Trường hợp ngộ độc muộn có thể gây tổn thương gan, thận.
Khi có biểu hiện ngộ độc, cần gây nôn để thải thức ăn hoặc dùng than hoạt tính làm giảm chất độc, trước khi đến cơ sở y tế điều trị.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc trong tự nhiên. Để phân biệt, cần quan sát phần mũ, phiến, cuống, thân nấm. Nấm độc thường có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc, trong đó mũ hình tròn đầu trứng, hình nón hoặc hình chuông. Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm.
Độc tố nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.