Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 28/12/2016, 08:00 (GMT+7)

7 người hùng thầm lặng trên thế giới năm 2016

Họ là những người cống hiến đời mình để giúp người khác một cách lặng lẽ, không phô trương, như cho người vô gia cư ăn và che chở người khác khi gặp bão.

Alexandre Migues, người chạy đuổi theo chiếc xe tải lao vào đám đông xem pháo hoa mừng quốc khánh ở Nice, Pháp hồi tháng 7. Khi bị xe tải lao sượt qua người, anh vội đuổi theo với hy vọng chặn tài xế Mohamed Lahouaiej-Bouhlel để tên này không gây ra nhiều cái chết hơn nữa. "Mọi người nói về chủ nghĩa anh hùng, nhưng tôi hành động hoàn toàn theo bản năng", Migues nói. 

Migues đuổi kịp chiếc xe, leo lên cabin định kéo Bouhlel ra khỏi ghế lái song bị tài xế này chĩa súng vào mặt, buộc phải nhảy xuống. Nhiều đêm sau thảm sát, Migues vẫn khó ngủ và hay gặp ác mộng.

Asem Hasna, làm chân tay giả cho người bị thương ở Syria. Trong những năm đầu nội chiến Syria. Năm 2013, Asem trúng đạn pháo và bị mất chân từ đầu gối trở xuống, sau đó anh được đưa sang Jordan. Anh được đào tạo để trở thành người dùng công nghệ in 3D, thiết kế, cung cấp chân tay giả cho người bị thương. Asem hiện ở Đức, tiếp tục công việc làm chân tay giả cho người Syria.

Mary Stuart-Miller (ngoài cùng bên trái), 56 tuổi, giúp đỡ 8.000 người vô gia cư, người nghèo ở Rome, Italy từ năm 2013. Bà cùng một số người vô gia cư khác nấu các bữa ăn dinh dưỡng cho người gặp hoàn cảnh khó khăn. 

Stuart-Miller cho biết tổ chức phi lợi nhuận của bà lấy kinh phí từ việc quyên góp. Bà nói việc mình làm không chỉ mang lại cái ăn cho người vô gia cư mà còn giúp họ ổn định tâm lý, đặt ra mục tiêu quay lại làm việc trong xã hội để tự sống bằng sức lao động.

Meron Estefanos, người điều hành đường dây nóng giúp người tị nạn ở Thụy Điển. Cô cho biết hầu hết các cuộc gọi cô nhận được là vào mùa hè, khi người tị nạn từ Cộng hòa Eritrea ở châu Phi tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. "Họ gào khóc, song tôi phải trấn an họ và tìm tọa độ để cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển", Estefanos nói. 

Thụy Điển đã ngừng việc cho phép tị nạn lâu dài. Estefanos nhiều lần bị những người ủng hộ chính phủ dọa giết cô nếu còn tiếp tục công việc. 

Marie-Ketly Cazeau, chủ một ngôi nhà ở Jeremie, Haiti đã cứu hơn 30 người thoát hiểm trong cơn bão ập xuống nước này hồi tháng 10. Gió bão với tốc độ 145 m/phút đã xóa sổ 80% nhà cửa ở tây nam Haiti và khiến 1.000 người chết. 

Amanda Mellet (ngoài cùng bên trái) làm nên lịch sử khi buộc chính quyền Ireland phải bồi thường những chấn thương bà gặp phải khi du lịch sang Anh để phá thai. 

Mellet cùng ba phụ nữ Ireland khác kiện chính quyền nước này ra Liên Hợp Quốc vì đạo luật chống phá thai. Mellet cho biết hồi năm 2013, cô cùng chồng phải sang Anh phá thai sau khi biết đứa bé không thể sống sót. 

Theo đề nghị của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Y tế của Ireland, Simon Harris, đại diện cho chính quyền, phải trả cho Mellet 30.000 Euro (31.308 USD) hồi tháng 11. 

Binta, người mang lại nhà cửa cho các "cô dâu Boko-Haram". Những bé gái Cameroon bị phiến quân Boko-Haram bắt cóc làm nô lệ tình dục hoặc vợ. Trở về nhà, những cô bé đã có bầu lại bị mọi người hắt hủi vì nghĩ họ sẽ phải nuôi một "tiểu Boko-Haram".

Binta, thành viên nhóm Cứu giúp Trẻ em đã ở cạnh những cô bé không may mắn như thế. Binta đã giúp các bé gái có cuộc sống bình thường. Ảnh và tên của Binta được giữ kín để bảo đảm an toàn cho bà. 

Văn Việt
(Theo Guardian)