Đến hết tháng 2, công an trên cả nước đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, sau hơn hai năm triển khai đồng loạt; dự kiến năm nay sẽ cấp thêm 8 triệu thẻ. "Mục tiêu là 100% người dân, kể cả trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp căn cước", Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói hôm 17/3 tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2016, Bộ Công an tạo bước ngoặt mới khi chuyển sang cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch in trên thẻ nhựa cứng, dựa trên Luật Căn cước công dân lần đầu tiên ra đời. Từ đây, thẻ căn cước được sử dụng, thay chứng minh thư nhân dân đã "hoàn thành sứ mệnh" sau 59 năm.
Tuy nhiên, chỉ một số địa phương được cung cấp thiết bị làm thẻ căn cước, theo giải thích là khó khăn về đầu tư hệ thống công nghệ. Từ năm 2016 đến 2020, hơn 16 triệu thẻ căn cước công dân có mã vạch ở sau được cấp ở 16 tỉnh, thành.
Các nơi khác, công an vẫn cấp mới chứng minh thư 9 số và 12 số cho người dân theo cách cũ. Việc này tạo nên sự không đồng nhất giữa các địa phương trong quản lý cư trú, gây lẫn lộn giữa số chứng minh thư và số thẻ căn cước khi các thủ tục hành chính chưa được "số hóa".
Tháng 10/2018, lần đầu Bộ Công an sửa đổi một số thông tin trên mặt thẻ căn cước sau hơn hai năm thí điểm. Tại mặt sau thẻ, cụm từ "Cục trưởng Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư" được thay thành "Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội".
Bộ Công an lý giải do sáp nhập nhiều đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, nên tên cục quản lý về căn cước có sự thay đổi.
Tháng 9/2020, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an được Thủ tướng phê duyệt, vận hành từ năm 2021. Kinh phí ước tính gần 2.800 tỷ đồng. Từ đây, đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chip được Bộ Công an triển khai đồng bộ với những thay đổi được đánh giá là "toàn diện, hiện đại".
Lý giải việc không cấp thẻ căn cước gắn chip ngay từ đầu để tránh lãng phí, Bộ Công an cho hay từ năm 2012 khi bắt đầu xây dựng đề án cấp thẻ căn cước công dân đã đưa ra vấn đề này song chip điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế nên chưa thể triển khai. Hơn nữa, thời điểm đó nhiều dòng chip chưa phù hợp nên không thể áp dụng. Một mặt, mã vạch đang là xu thế.
Với thẻ căn cước công dân gắn chip, kích thước, hình dáng được giữ nguyên so với thẻ mã vạch. Mặt trước thẻ chứa thông tin truyền thống, gồm: họ tên, quê quán, nơi thường trú và bổ sung thêm biểu tượng chip, mã QR, tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt.
Mặt sau vẫn giữ vân tay, đặc điểm nhận dạng song bổ sung chip điện tử cùng dòng MRZ. Dòng chữ MRZ này chứa nhiều thông tin quan trọng về nhân thân nhưng lại gần như vô nghĩa nếu đọc bằng mắt thường. Chỉ khi được quét qua máy đọc chip thì thông tin của chủ thẻ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia mới hiện ra đầy đủ.
Từ 1/1/2021, thẻ căn cước công dân gắn chip bắt đầu được cấp trên toàn quốc cho người từ 14 tuổi. Công an các địa phương nhiều ngày làm cả tối, xuyên đêm với mục tiêu đến tháng 7 cùng năm sẽ cấp được 50 triệu thẻ.
"Căn cước công dân là giấy tờ sát sườn, tác động đến toàn dân nên nhiều người quan tâm. Dù mất hai năm Covid-19 căng thẳng, công an trên cả nước đã nỗ lực để cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước. Đây là con số đáng ghi nhận khi mà nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Australia chỉ cấp được khoảng 70% sau mười mấy năm", thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), nói trong sáng 24/3.
Đầu năm 2023, Bộ Công an lấy ý kiến về những thay đổi trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Một lần nữa, thẻ căn cước công dân lại sửa đổi.
Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số. Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú thành nơi cư trú.
Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành "nơi cấp: Bộ Công an"; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Sáng 24/3, tại hội thảo do Cục truyền thông Công an nhân dân tổ chức, đại diện C06 giải thích, việc thay đổi thông tin trên bề mặt thẻ nhằm phù hợp với quốc tế và tăng tính bảo mật thông tin cá nhân; hạn chế phải cấp đổi nhiều lần.
"Trước đây, giấy tờ cá nhân thường có ghi nguyên quán hoặc quê quán; sau đó thống nhất ghi là quê quán, tức theo nơi sinh của bố mẹ. Qua thời gian đánh giá thực tế và nghiên cứu trên thế giới, C06 đề xuất chuyển mục quê quán thành nơi đăng ký khai sinh", đại diện C06 nói.
Theo Bộ Công an, thẻ căn cước gắn chip được thiết kế đạt chuẩn ICAO, hướng tới sử dụng thông hành tại nhiều quốc gia nên việc "sửa thông tin như trên là phù hợp".
Về đề xuất chuyển nơi thường trú thành nơi cư trú, đại diện C06 cho hay, để tạo điều kiện cho những người không thể đăng ký thường trú vẫn có thể làm thẻ căn cước công dân. Nơi cư trú được hiểu là nơi thường trú, tạm trú hoặc lưu trú. Việc thay đổi này giúp công dân dễ thực hiện các giao dịch thiết yếu hơn.
Từ 17/3 đến 22/3, trong gần 16.000 người tham gia khảo sát trên VnExpress, hơn 60% tán thành bỏ mục quê quán, vân tay.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi còn đề xuất cấp cho người dưới 14 tuổi, bao gồm cả nhóm dưới 6 tuổi. Đây là điểm mới khi luật hiện hành quy định công dân từ đủ 14 tuổi mới được cấp.
Trước lo ngại phải đổi sang thẻ căn cước công dân mẫu mới khi vừa mới làm thẻ, nhóm soạn thảo đề xuất "không bắt buộc đổi". Theo C06, việc thay đổi thông tin trên bề mặt thẻ căn cước, nếu được thông qua, sẽ chỉ thực hiện khi công dân đi làm lại thẻ ở các mốc tuổi theo quy định (dự kiến 14, 25, 40 và 60 tuổi). Còn thông tin khác đã được đưa vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi thế, người dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip "vẫn sử dụng bình thường, không cần phải làm lại".
Như thế sẽ có 6 loại cùng lưu hành: chứng minh thư 9 số, chứng minh thư 12 số, chứng minh thư 12 số có tên cha mẹ, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip và thẻ căn cước công dân gắn chip (sửa đổi).