Thứ sáu, 4/4/2025, 17:50 (GMT+7)

Hàng ngày, cứ 8h, Quốc bước chân vào văn phòng OPES tại tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ, Hà Nội, với ly cà phê trên tay. Thay vì phải ngồi xử lý những chồng tài liệu giấy dày cộp như những công ty bảo hiểm truyền thống, bàn làm việc của Quốc gọn gàng với hai màn hình lớn, hiển thị rõ ràng hồ sơ khách hàng cùng các đánh giá sơ bộ từ mô hình tính toán nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Thay vì chồng tài liệu giấy dày đặc, bàn làm việc của Quốc gọn gàng với 2 màn hình máy tính.

Với vài thao tác kéo – thả trên màn hình, hồ sơ bồi thường nhanh chóng được hoàn tất. Tiếng máy in gần như biến mất, thay vào đó là tiếng gõ bàn phím cùng những màn hình lớn liên tục cập nhật tỷ lệ hợp đồng phát hành thành công.

Quốc chia sẻ, công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách OPES vận hành, nhanh, chính xác và tối ưu hơn, với tiêu chí "3 không": không đại lý, không có những chồng hồ sơ cao quá đầu, không cần thêm phòng lưu trữ hồ sơ riêng.

"Công nghệ giúp chúng tôi cắt giảm 70% quy trình giấy tờ, tiết kiệm 50% nguồn lực và tăng hiệu suất xử lý lên gấp đôi", Quốc nói.

Đến nay, có thời điểm OPES phát hành hơn 600.000 hợp đồng bảo hiểm trong một ngày, với lực lượng nhân sự chỉ hơn 100 người, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường bảo hiểm số.

Trước xu hướng này, nhiều công ty bảo hiểm bắt đầu thay đổi chiến lược, đầu tư vào công nghệ, nhằm bắt kịp nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng vì các công ty đã quen hoạt động theo mô hình truyền thống, với hệ thống đại lý, chi nhánh, quy trình phức tạp, trở thành rào cản cho quá trình thay đổi.

Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo OPES quyết định chọn lối đi táo bạo: số hóa ngay từ đầu thay vì theo mô hình truyền thống rồi mới chuyển đổi. Năm 2018, OPES chính thức ra mắt với tầm nhìn trở thành người tiên phong trong xu hướng "bảo hiểm số hóa" tại Việt Nam. Thay vì mở rộng hệ thống đại lý hay phòng giao dịch, công ty tập trung đầu tư vào AI, dữ liệu lớn và tự động hóa, xây dựng đội ngũ nhân viên và bộ máy vận hành kỹ thuật số để tối ưu quy trình, nâng cao hiệu quả vận hành.

Quyết định này nhanh chóng mang lại kết quả ấn tượng. Chỉ sau 3 năm, OPES đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu cán mốc 3.200 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 95%. Công ty phát hành 231 triệu hợp đồng bảo hiểm trong năm 2024, tăng 111% so với năm trước đó và phục vụ hơn 22 triệu khách hàng trực tuyến. Những lúc cao điểm, OPES có thể xử lý trên 600.000 đơn bảo hiểm phát hành trực tuyến mỗi ngày, tương đương mỗi người phụ trách 5.600 hợp đồng một ngày. Với quy mô nhân sự chỉ hơn 100 người, OPES đang đạt hiệu suất vận hành ngang ngửa các công ty có hàng nghìn nhân sự.

"Chúng tôi xem công nghệ là công cụ phục vụ khách hàng và tối ưu vận hành, không phụ thuộc mà linh hoạt khai thác sức mạnh của công nghệ để hỗ trợ con người. OPES luôn tự hào là một trong những công ty tiên phong số hóa bảo hiểm", ông Nguyễn Hữu Tự Trí – Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty Cổ phần bảo hiểm OPES cho biết.

Thành công của OPES đến từ chiến lược lấy công nghệ làm nền tảng cốt lõi. Công ty đầu tư mạnh vào AI, Machine Learning và tự động hóa để nâng cao hiệu suất và trải nghiệm khách hàng.

Đơn cử như sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô O.CAR - có thể xem là một minh chứng cho chiến lược số hóa trọng điểm của OPES. Sản phẩm này được cung cấp bảo hiểm trực tuyến qua ứng dụng OPES, chủ động tích hợp công nghệ "Đo lường hành vi lái xe".

Công nghệ này cho phép tài xế dễ dàng theo dõi các chỉ số đánh giá sau mỗi chuyến đi, như rẽ đột ngột, tăng tốc nhanh bất thường, phanh gấp,...Từ các chỉ số này, OPES sẽ xây dựng được những mô hình đánh giá rủi ro, sản phẩm phù hợp, tài xế cũng có thể hiểu rõ hơn về thói quen và lịch sử lái xe của bản thân, từ đó chủ động điều chỉnh hành vi lái xe một cách an toàn và hiệu quả hơn. Công nghệ, song hành cùng cộng đồng, trở thành sợi dây liên kết đặc biệt của OPES và khách hàng.

Khách hàng có thể tự chụp lại hiện trường để gửi lên hệ thống đánh giá.

Việc ứng dụng AI cũng rút ngắn thời gian chi trả bảo hiểm. Quy trình chi trả quyền lợi tại OPES chỉ mất 10 ngày – nhanh hơn 1/3 so với mặt bằng chung. Một số sản phẩm như bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm đơn hàng vận chuyển toàn hay trễ chuyến bay có thể được xử lý trong vòng 15 phút sau khi khách hàng nộp đủ hồ sơ.

Về phía khách hàng có thể tự chụp lại hiện trường bảo hiểm theo hướng dẫn, AI sẽ phân tích, đánh giá mức độ hư hỏng được khách hàng cung cấp, từ đó rút ngắn thời gian chờ đợi, gia tăng trải nghiệm. Nhờ vào sức mạnh công nghệ kết hợp sự nhạy bén trong vận hành, OPES đã tăng năng suất lao động lên 30% so với các đơn vị bảo hiểm truyền thống.

Thay vì chỉ tập trung vào kênh bán lẻ (D2C), OPES mở rộng mô hình kinh doanh sang B2B và B2B2C, hợp tác với hơn 30 đối tác trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính tiêu dùng, chứng khoán và thương mại điện tử. Từ đó, xây dựng một hệ sinh thái số phục vụ tối ưu nhu cầu sống của khách hàng. Hiện, công ty cung cấp hơn 20 loại sản phẩm bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cơ giới, tài sản, tai nạn cá nhân đến bảo hiểm du lịch và trễ chuyến bay...

Ngoài công nghệ, sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ VPBank cùng hệ sinh thái tài chính đa ngành đã giúp OPES có thêm lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là bệ phóng giúp OPES xây dựng một doanh nghiệp bền vững với định hướng ESG, hướng tới tầm nhìn Net Zero 2050.

Năm 2025, OPES đặt mục tiêu lọt vào top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái số, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm thông minh và tối ưu hơn về chi phí, đồng thời, mở rộng tệp khách hàng trên cả nước, mang giá trị bảo hiểm đến với những phân khúc khó tiếp cận như nông dân.

Minh Ngọc - Hằng Trịnh
Ảnh: OPES