1. Sự dung hòa về tâm lý
Điều quan trọng nhất để có sự dung hòa này là không làm cho người sống với mình phải khó chịu. Có những phụ nữ dễ dàng chấp nhận thói quen uống một ly rượu nhỏ trong bữa ăn của chồng mình, nhưng có những người lại không thể chịu được, dù chỉ là mùi rượu. Một số ông chồng có thể bỏ qua cho sự mất trật tự đôi chút trong nhà, nhưng số khác lại muốn nhà cửa lúc nào cũng phải thật tươm tất. Hãy học cách chấp nhận người chung sống với mọi ưu điểm lẫn khuyết điểm về tâm lý của người đó, mối quan hệ của bạn sẽ trở nên rất nhẹ nhàng. Các nhà tâm lý học cho rằng, hạnh phúc trong mọi mối quan hệ luôn bắt đầu chính từ sự chấp nhận nhau về mặt tâm lý. Không có được điều đó bạn sẽ luôn cảm thấy căng thẳng.
2. Sự hòa hợp về mặt tinh thần
Mỗi người luôn có sẵn trong đầu một hình mẫu gia đình riêng. Với những người lấy nhau vì tình yêu, nếu mẫu hình gia đình của họ khác nhau, thì cuộc sống chung cũng khó được coi là hạnh phúc. Ví dụ, nếu người đàn ông thích những buổi tối ngồi xem tivi một mình, người vợ lại thích những cách giải trí khác thì dù họ có cố gắng làm vừa lòng nhau đến thế nào, sớm hay muộn sẽ có những khó chịu âm thầm thấm vào mối quan hệ hôn nhân.
3. Vai trò của gia đình
Mỗi người sẽ có hình dung riêng về vai trò của mình trong gia đình. Trong nhiều trường hợp, hình dung đó phụ thuộc vào những gì họ nhìn thấy trong gia đình họ đã lớn lên. Ví dụ, người đàn ông lớn lên trong gia đình mà người mẹ lúc nào cũng ở trong bếp nấu những món ăn ngon cho cả nhà, nếu khi anh ta hỏi: “Có gì ngon ngon để ăn không?”, mà người vợ trẻ của anh ta trả lời theo kiểu: “Muốn ăn thì lăn vào bếp” hay “Muốn ăn thì đi mua đi”, chắc chắn anh ta sẽ cảm thấy không thể chấp nhận được và vô cùng bực bội. Vì thế, trước khi cưới nhau, bạn và người ấy nên ngồi lại, để cùng hình dung về cuộc sống gia đình tương lai. Nếu những hình ảnh các bạn vẽ ra quá khác nhau, hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự phức tạp của cuộc sống chung.
4. Sự hòa hợp về trí tuệ
Ở đây không đơn giản chỉ là chuyện học vấn hay bằng cấp mà quan trọng hơn là suy nghĩ của cả hai trong việc tiếp nhận kiến thức mới, thông tin mới phải cùng mức độ với nhau. Nếu hai vợ chồng chẳng có gì để nói với nhau thì sớm muộn gì họ cũng sẽ tìm kiếm người trò chuyện khác, một tiền đề dẫn đến sự thay đổi tình cảm.
5. Đời sống vật chất
Cách sử dụng tiền bạc kiếm được của hai vợ chồng cũng có thể làm cho họ xa nhau hay gần nhau hơn. Hai người cùng tiết kiệm sẽ rất thoải mái khi cùng giữ tiền riêng của mình trong những nơi bí mật. Hai người phóng khoáng có thể chi tiêu đến những đồng tiền cuối cùng không cần tính toán. Thế nhưng, nếu hai vợ chồng có cách chi tiêu khác nhau thì cần phải thỏa thuận được với nhau ai là người quản lý tiền bạc và quản lý như thế nào. Khi bạn còn đang mơ mộng về một gia đình hạnh phúc, đừng quên thảo luận về vấn đề này.
6. Giáo dục con
Những nguyên tắc dạy dỗ con cái thường không phải là vấn đề các cặp yêu nhau đề cập tới trước khi cưới. Tuy nhiên, mọi việc sẽ tốt hơn nếu các bạn tính đến chuyện này sớm. Những quan điểm khác nhau trong cách dạy dỗ con cần phải được cân bằng trước khi hai bạn trở thành những ông bố bà mẹ.
7. Sex
Vấn đề không hòa hợp trong tình dục là khá hiếm và người ta thường nhận ra nó ngay từ lần đầu tiên. Vì thế, nếu như bạn đạt được sự hòa hợp ở các mức độ trên thì vấn đề với sex có lẽ sẽ không xuất hiện.
Theo Giadinh.net