Đó là kết quả của một nghiên cứu không bao gồm các vụ ly hôn do bạo lực, ngoại tình hoặc nghiện ngập. Từ kinh nghiệm trị liệu cho các khách hàng sau ly hôn, bà rút ra 7 nguyên nhân khiến một người hối hận.
Những biến động cảm xúc vượt ngưỡng chịu đựng
Một mối quan hệ tan vỡ thường gây đau buồn, tức giận, lo lắng, tội lỗi và trầm cảm kéo dài. Một số người đau đớn đến mức hối hận về quyết định ly hôn. Điều này đặc biệt đúng với những người có cảm xúc lấn át khả năng ứng phó.
Có khách hàng từng nói cảm thấy không bao giờ có thể gượng dậy sau ly hôn và không chắc cuộc đời còn đáng sống hay không. "Anh ấy chỉ tồn tại vì muốn ở bên các con", bà kể.
Ảnh hưởng của ly hôn với con cái
Khi làm việc với những người đang ly hôn, tiến sĩ Ann thường nghe họ nói ly hôn để con vui vẻ hơn. "Tôi không muốn con phải chứng kiến một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nên ly hôn", "Nếu tôi ly hôn mà hạnh phúc hơn thì các con cũng vậy"... họ tâm sự với chuyên gia.
Tuy nhiên, theo bà Ann, những cha mẹ này thường đánh giá thấp tác động của ly hôn với con, cả trước mắt lẫn lâu dài. Khi thấy con gặp tổn thương dù cha mẹ đã chia tay từ lâu, họ thường hối hận vì quyết định đó.
Hậu quả tài chính
Phân chia tài sản, trả, nhận tiền cấp dưỡng nuôi con và các tài sản khác luôn khiến mức sống của vợ/chồng giảm sút, đặc biệt là phụ nữ.
Bạn hoặc bạn đời cũ sẽ phải đi làm vất vả hơn hoặc hoãn nghỉ hưu để trang trải cuộc sống. Một số người thấy điều này khó khăn đến mức họ có thể hối hận khi ly hôn.
Thêm những mối quan hệ thất bại
Một số người ly hôn vì tin hôn nhân hoặc bạn đời có vấn đề. Nhưng đến với người mới họ vẫn mâu thuẫn vì lý do tương tự và hiểu mình chính là nguyên nhân.
Ví dụ, bạn đời của Jack bỏ đi sau nhiều năm cầu xin anh ngừng uống rượu và biết kiểm soát cơn giận. Sau khi đến với những người mới, Jack thấy những lời phàn nàn và mâu thuẫn vẫn giống như vậy trong mọi mối quan hệ. Cuối cùng, Jack nhận ra nguyên nhân ở mình và anh phải là người giải quyết sai lầm do mình gây nên.
Cô đơn
Một số người ân hận vì ly hôn khi nhớ bạn đời cũ. Khi thiếu vắng họ mới nhận ra người vợ/chồng cũ chính là tri kỷ. "Tôi ly hôn vì thích lãng mạn hơn nhưng giờ tôi biết đó là một sai lầm", một khách hàng kể với chuyên gia tâm lý Ann. Người khác than thở không thể thích nghi với kiểu hẹn hò trực tuyến và là một người hướng nội. "Tôi không giỏi hẹn hò", người này nói thêm, ân hận vì cô đơn sau khi rời bỏ hôn nhân.
Hối hận khi phải đối mặt với sự kỳ thị, chối bỏ, phán xét của bạn bè, gia đình.
Họ không còn được mời tham gia các cuộc gặp mặt hoặc bị mọi người chê trách, phán xét vì ly hôn nên thấy hối hận. Một khách hàng nói với Ann: "Tôi rất gần gũi với mẹ chồng cũ và cảm thấy bị bỏ rơi trong các dịp lễ kỷ niệm", "Tôi cũng không được mời đến dự đám tang của bà".
Hối hận vì quyết định vội vàng
Một số người hối hận vì đưa ra quyết định ly hôn khi không cố gắng hết sức giải quyết mâu thuẫn. Họ tiếc vì không tìm đến sự tư vấn hoặc không nỗ lực nhiều hơn để giải quyết những vấn đề dẫn đến ly hôn. Một số nhận ra mình đã đưa ra quyết định một cách bốc đồng.
Họ nhận ra không dành đủ thời gian suy nghĩ về tất cả các kết quả có thể xảy ra hoặc hối hận về cách tiến hành cuộc ly hôn, quyết định đấu tranh vì những điều không quan trọng hoặc khiến quá trình ly hôn trở nên mâu thuẫn hơn mức cần thiết.
Vậy bạn sẽ làm gì nếu cảm thấy hối tiếc?
- Thừa nhận những cảm xúc và dành thời gian khám phá chúng.
- Một vài buổi trị liệu có thể giúp bạn tìm ra lý do hối tiếc và làm rõ các lựa chọn.
- Bạn có thể liên hệ với người cũ và nói về điều đó. Việc hòa giải và tái hôn không phải là chưa từng có.
- Tập trung vào sự phát triển cá nhân. Không bao giờ là quá muộn để học những cách tốt hơn trong các mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp mới và các công cụ để giải quyết những bất đồng.
- Hãy cho bản thân thời gian để bước tiếp.
Việc chữa lành sau ly hôn cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Làm việc với bác sĩ trị liệu có thể giúp bạn rút ra bài học từ những mối quan hệ và cuộc ly hôn trong quá khứ. Sau đó, liệu pháp trị liệu có thể giúp bạn tập trung vào tương lai.
Nhật Minh (Theo psychologytoday)