Phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, nhưng nếu không lưu ý những điều dưới đây, chủ nhà sẽ phải chịu đựng những cảm giác khó chịu mà sự cố tại khu vực nhà vệ sinh mang tới.
Dưới đây là một số lời khuyên của kiến trúc sư Trương Thành Trung, công ty R Design Worldwide.
1. Tiếng ồn phát ra từ đường ống thoát nước
Hiện nay, thay vì sử dụng ống gang, hệ thống cấp thoát nước đều sử dụng ống nhựa PVC. Ưu điểm của loại ống này là không hình thành mảng bám, tuổi thọ cao nhưng nhược điểm là mất đi khả năng chống ồn tự nhiên.
Để khắc phục tình trạng này, cần lưu ý những điểm sau:
- Ở các trục đường ống thoát nước thẳng có độ cao phải có cút (bẫy nước) để thay đổi hướng dòng chảy, nhằm giảm áp lực tạo lên thành ống.
- Các đai cố định ống phải có đệm chống rung hay kẹp giảm sóc đặc biệt. Ở những vị trí không sử dụng được đai và kẹp thì sử dụng bọt polyurethane.
- Không đấu chung hệ thống thoát nước mái với hệ thống thoát nước của nhà vệ sinh. Nguyên nhân là khi hệ thống thoát mái không kịp thoát sẽ có hiện tượng tràn ngược vào trong.
- Với những nhà cao trên 6 tầng, cứ 3 tầng cần lắp một van giảm áp cho đường cấp nước, nhằm tránh việc áp lực nước quá mạnh dẫn đến bỏng nước khi sử dụng.
- Vị trí đặt miệng hố ga thoát sàn không được để quá sát với tường nhà vệ sinh, tối thiểu phải cách 100 mm ở các cạnh tiếp xúc.
- Dùng phễu thoát sàn có bẫy nước để ngăn côn trùng và mùi hôi.
- Vị trí lắp đặt van khóa nước tổng của phòng vệ sinh phải đặt ở những vị trí dễ thao tác.
2. Cao độ sàn nhà vệ sinh
Trong các thiết kế xây dựng nhà ở, biệt thự, khách sạn... sàn nhà vệ sinh thấp hơn các phòng còn lại bởi cần phải lắp thêm đường ống, cống, dây... sau đó mới láng nền, chống thấm. Nhà vệ sinh cũng phải thấp hơn các phòng khác để tránh tình trạng nước tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến các khu vực trong nhà. Độ thấp chênh lệch thích hợp từ 3-5 cm.
3. Chống thấm nhà vệ sinh
Việc này rất quan trọng bởi nếu không làm cẩn thận từ bước đầu, chủ nhà sẽ phải chịu hậu quả lớn trong quá trình sử dụng do bị thấm và dột.
- Khi thi công, không được dùng khoan bê tông để đục thủng sàn mà phải dùng khoan rút lõi.
- Đảm bảo độ dốc để nước không bị đọng trên mặt sàn
- Trước khi hoàn thiện phải xử lý chống thấm toàn bộ nhà vệ sinh, đặc biệt tại các vị trí cổ ống và các góc tiếp giáp giữa tường và sàn. Hiện trên thị trường có nhiều vật liệu và phụ gia chống thấm. Mỗi loại đều chỉ áp dụng vào từng trường hợp cụ thể, không phải loại nào cũng sử dụng giống nhau. Trước khi làm nên tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn có uy tín.
- Sau khi ốp sàn, phải lau mạnh và kỹ bằng bộ chét xi măng trắng, tránh mạch hở.
4. Mùi khó chịu ở nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh sử dụng lâu ngày có mùi hôi khó chịu thường có nguyên nhân do không được vệ sinh sạch sẽ hoặc những yếu tố khách quan như hầm cầu đầy, lỗ thông hơi tắc nghẽn,... Tuy nhiên, nguyên nhân khác đển từ thi công, xây dựng:
- Lắp đặt hệ thống ống thoát nước không đúng tiêu chuẩn hoặc sai kỹ thuật: Đường ống xả quá nhỏ so với quy định; Ống xả nước không đặt chất lượng, sử dụng ống cũ đã qua sử dụng dễ gây dập, vỡ và hở mối lắp; Bị hở ống nước ở đoạn chữ P; Lắp đặt bồn cầu không chuẩn, có khe hở ở phần tiếp giáp giữa chân bồn cầu và sàn nhà vệ sinh, không đủ nước ngắt mùi từ hố ga; Ống thoát nước bị dập vỡ hoặc đặt quá thấp.
- Do nhà vệ sinh bị tắc ống thoát khí
Với hiện tượng này, trước tiên chủ nhà cần kiểm tra kỹ từng lỗ thoát nước, bồn cầu xem mùi hôi thoát ra từ đâu. Nếu không có thời gian, có thể liên hệ với các đội sửa chữa để khắc phục.
5. Trần thạch cao trong nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh là nơi có độ ẩm cao, thường xuyên tiếp xúc với hơi nước chính vì thế khi làm trần thạch cao nên lựa chọn tấm chịu ẩm thay vì tấm chịu nước. Loại vật liệu này giúp tránh khỏi tình trạng nấm mốc hay bọ dột... tình trạng mà những nhà vệ sinh thông thường hay gặp phải.
Đối với nhà vệ sinh dùng thạch cao chịu nước, sau một thời gian thường xuất hiện vết nứt ở những vị trí nối tấm, gây mất thẩm mỹ. Một lưu ý nữa là nên sử dụng nẹp để tách khe giữa tường và trần, tránh việc sau này xuất hiện những vết nứt chạy xung quanh cổ trần.
Nên bố trí cửa thăm trần ở vị trí thuận lợi để có thể xử lý các hệ thống kỹ thuật chạy trên trần khi cần thiết.
6. Kiểm tra thiết bị điện
- Bề mặt lắp thiết bị ổ cắm phải bằng phẳng không nghiêng không hở để tránh rò rỉ nước và đọng nước vào bên trong.
- Kiểm tra lại sơ đồ đi dây điện trước khi khoan bắt vít hay đóng đinh bắt thiết bị, tránh trường hợp khoan đúng vào đường dây điện gây hở điện hoặc chập điện.
- Lựa chọn các loại ổ cắm có nắp che ngăn nước hoặc cản hơi nước. Vị trí đặt ổ điện phải cao và khô, tránh xa vòi hoa sen.
- Lắp đặt aptomat chống giật cho bình nước nóng.
7. Thiết bị vệ sinh
- Không nhất thiết phải sử dụng những thiết bị như vòi sen quá đắt của những thương hiệu nổi tiếng, nhưng nên sử dụng sản phẩm chính hãng. Không dùng hàng nhái vì loại này thường chỉ có lớp mạ ngoài, bên trong không phải là kim loại đồng chất. Sử dụng một thời gian, lớp mạ sẽ bong tróc hoặc bị ôxi hóa bề mặt, gây mất thẩm mỹ.
- Các đầu chờ âm tường ra thiết bị không nên để quá sát với tường, vì còn khoảng cách của lớp trát và vật liệu hoàn thiện. Nếu không đủ khoảng cách sẽ dẫn đến việc khi lắp đặt, thiết bị sẽ bị kéo tụt sát tường hoặc việc lắp đặt trở nên khó khăn .
- Khoảng cách chiều cao và chiều rộng của các thiết bị cần được đảm bảo đúng với tiêu chuẩn thiết kế.
Kiến trúc sư Trương Thành Trung