Thứ ba, 3/12/2024
Thứ sáu, 25/8/2017, 13:00 (GMT+7)

7 loài vật có thể sống sót sau chiến tranh hạt nhân

Nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, một số loài động vật vẫn có thể sống sót nhờ khả năng chịu đựng phóng xạ lớn gấp nhiều lần con người.

Ong bắp cày ký sinh là một trong những sinh vật có sức sống bền bỉ nhất Trái Đất nhờ khả năng chịu phóng xạ gấp 300 lần con người, theo Sun. Chúng dễ dàng sống sót nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ong bắp cày khá thông minh, chúng có thể được huấn luyện để đánh hơi ma túy và vũ khí hóa học giống như chó nghiệp vụ. Ảnh: Alamy.

Ruồi giấm là những con côn trùng bay có thể chịu đựng mức phóng xạ gấp 100 lần con người. Kích thước cơ thể nhỏ khiến chúng có ít tế bào bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Vòng đời của ruồi giấm khá ngắn, khoảng 30 ngày. Ảnh: Wikimedia.

Gián có khả năng sống sót ở mức phóng xạ gấp 15 lần so với con người. Điều này nghĩa là chúng có khả năng chịu đựng hậu quả của vụ nổ bom hạt nhân. Gián xuất hiện không xa nơi xảy ra vụ đánh bom hạt nhân Hiroshima trong khi mọi sinh vật khác đều bị xóa sổ.
Gián có thể sống trong một tháng mà không cần ăn uống, giúp chúng có cơ hội sống sót cao hơn tại vùng đất hoang sau khi bom hạt nhân phát nổ. Ảnh: Masala TV.

Cá mummichog là một loài cá nhỏ sống ở Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển của Mỹ và Canada. Chúng có khả năng phát triển trong môi trường nước có nhiệt độ cao hoặc chứa đầy hóa chất độc hại kể cả phóng xạ.
Năm 1973, chúng trở thành loài cá đầu tiên được đưa vào không gian, nở gần 50 quả trứng trong môi trường không trọng lực. Ảnh: Alamy.

Dù chưa thể chứng minh, các nhà khoa học tin rằng bọ cạp sẽ sống sót sau cuộc chiến tranh hạt nhân. Khả năng chịu đựng bức xạ tia cực tím (UV) ở cường độ cao cho thấy bọ cạp cũng có thể chịu được phóng xạ hạt nhân.
Ngay cả khi chiến tranh tạo ra mùa đông hạt nhân, bọ cạp vẫn có khả năng hồi sinh ngay cả khi bị đông cứng hoàn toàn. Ảnh: Pestworld.

Escherichia coli, vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta, có khả năng chịu đựng mức phóng xạ cao gấp 6 lần con người. Chúng vẫn sống sót khi con người bắt đầu bị ngộ độc phóng xạ. Ảnh: Alamy.

Gấu nước, sinh vật 8 chân có chiều dài chưa đến một mm, thường sống dưới nước và gần như không thể chết. Chúng có thể tồn tại đến 30 năm mà không cần ăn, dù bị đóng băng, đun sôi, nghiền nát dưới sức ép lớn, thậm chí tiếp xúc với môi trường chân không và tia bức xạ của vũ trụ mà không hề hấn gì. Ảnh: BBC.

Lê Hùng