Ngày 3/7, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh dương tính với 7 loại giun sán, bao gồm lá gan nhỏ, lợn, dây chó, phổi, máng; giun lươn và giun đũa chó, mèo. Đây là trường hợp hiếm gặp do cô gái nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng lúc.
Bệnh nhân cho biết bản thân không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi, nhưng rất thích và thường xuyên ăn rau sống. Bác sĩ Thiệu cho rằng rau sống không đảm bảo an toàn vệ sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trứng giun sán.
Ê kíp chỉ định điều trị bằng 3-4 loại thuốc giun sán trong thời gian 21 ngày. Sau khi khỏi một loại giun sán sẽ giãn cách tiếp tục điều trị loại khác. Ngoài tổn thương về da, hiện bác sĩ chưa phát hiện bất thường tại cơ, não hay các bộ phận khác.
Theo chuyên gia, 99% nguyên nhân mắc bệnh giun sán đến từ thói quen ăn uống, do thức ăn chưa được nấu chín kỹ hoặc không hợp vệ sinh, có chứa trứng hoặc ấu trùng sán, số ít còn lại có thể lây nhiễm qua da từ thói quen đi chân trần.
Bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan bé có thể gây tổn thương tại gan, tăng men gan, áp xe gan, trở nên chán ăn và mệt mỏi. Còn nhiễm giun đũa chó mèo gây ngứa dai dẳng, khiến cuộc sống người bệnh gặp nhiều khó khăn. Các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây động kinh, co giật, nhầm tưởng bị u não hoặc tâm thần.
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt động vật mắc bệnh; ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định). Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.
Thúy Quỳnh