Cũng theo khoản 1 Điều 32 BLDS, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Bên sử dụng hình ảnh và bên có hình ảnh thỏa thuận không nhận thù lao thì bên sử dụng hình ảnh không phải trả. Tức là, việc trả thù lao không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với bên sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại.
Ví dụ: Người mẫu A thỏa thuận với công ty B về việc để công ty này sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo sản phẩm. Nhưng A chỉ muốn có danh tiếng nên không nhận thù lao. Trường hợp này, Công ty B không phải thanh toán thù lao cho A.
Trường hợp 2: Các bên không có thỏa thuận khác thì bên sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại (như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ...) phải có nghĩa vụ trả thù lao cho bên có hình ảnh được sử dụng.
Câu 3. Đăng hình ảnh về hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác lên mạng xã hội thì không vi phạm pháp luật.