From: Van phong luat su Vuong Trong The
To: luatdatdai@vnexpress.net
Sent: Friday, August 22, 2003 11:37 AM
Subject: Gop y du thao luat dat dai
1. Về Điều 45 (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất): Trong khoản 3 chỉ nói đến “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng” và “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đến từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng tổ chức đồng sử dụng”. Như vậy có nghĩa là chỉ có tổ chức đồng sử dụng đất mới được cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn lại từ hai cá nhân trở lên không được cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ trường hợp họ là vợ chồng).
Điều này là rất không hợp lý vì: quyền sử dụng đất cũng là tài sản, mà công dân có quyền có tài sản chung; hoặc nhiều người cùng được thừa kế quyền sử dụng một thửa đất mà họ muốn cùng được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó. Do đó, đề nghị thêm vào cuối khoản 1 của Điều 45 một đoạn như sau:
“…theo một loại giấy thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất. Một người có thể được đứng tên đối với nhiều thửa đất khác nhau (hoặc không liền kề nhau) hoặc nhiều người có thể cùng được đứng tên trong cùng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
2. Điều 48, khoản 1, điểm c có nêu: “…hoặc có tên trong sổ địa chính”. Như vậy, việc người đang sử dụng đất có tên trong sổ địa chính là căn cứ rất quan trọng, được đánh giá ngang với các loại giấy tờ khác đã được liệt kê tại khoản 1 của Điều 48 (như quyết định giao đất). Thế nhưng trong dự thảo lại không có điều khoản nào quy định cụ thể về sổ địa chính cho tương xứng với tầm quan trọng của nó. Điều 44 chỉ nêu sổ địa chính tương tự như các sổ mục kê, sổ theo dõi… mà không hề có sự phân biệt nào là không đúng với tầm quan trọng của sổ địa chính. Chính vì sự quan trọng của nó, đề nghị dành một khoản riêng trong Điều 44 để quy định cụ thể về sổ địa chính (cụ thể như cơ quan nào có quyền lập; quản lý và cập nhật thế nào...).
3. Điều 71, khoản 2 đề nghị thay từ “và” bằng từ “hoặc”. Vì từ “và” sẽ được hiểu là TAND chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong 2 trường hợp là:
- Người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Có một trong các loại giấy tờ đã được quy định tại khoản 1 Điều 48 và (tức là đồng thời phải có) tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
4. Về Điều 120: Đây là một điều luật rất hay, hợp lòng dân và thể hiện đúng đạo lý có mượn có trả. Tuy nhiên, để điều luật có tính khả thi, đề nghị:
- Đổi tên của điều này thành “Giải quyết trường hợp cơ quan nhà nước đã mượn đất của hộ gia đình, cá nhân”. Vì trong toàn bộ nội dung điều luật cũng như trên thực tế, chỉ có một cơ quan nhà nước cụ thể có quan hệ mượn đất, chứ không có chủ thể chung chung là nhà nước;
- Trong khoản 1 của điều này, để tránh việc cơ quan nhà nước yêu cầu người dân phải chứng minh được là họ có nhu cầu (tức là chưa có đất hoặc đã có đất nhưng phải dưới hạn mức giao đất của địa phương nơi có đất đã cho mượn), đề nghị thay đoạn “…cá nhân nay có nhu cầu sử dụng thì gửi hồ sơ đến” thành “… cá nhân nay cần sử dụng thì gửi hồ sơ đến…”;
- Điểm b khoản 1 của điều này: Về mặt pháp luật cũng như trong thực tế có thể có hợp đồng mượn đất bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nhưng trải qua nhiều năm, do thiên tai, địch họa, có thể cả người cho mượn lẫn người mượn đất đều không còn giữ được văn bản giấy tờ. Vì vậy, đề nghị thêm vào cuối của điểm b này như sau: “b. Giấy tờ cho mượn đất mà các bên đã ký kết tại thời điểm cho mượn đất (nếu có)”;
5. Tại các điều như: Điều 50 khoản 1 điểm d; Điều 51 khoản 1; Điều 52 khoản 1 điểm d; Điều 123 khoản 1 điểm c và Điều 124 khoản 1… đều quy định người sử dụng đất phải có: “Trích lục bản đồ địa chính; đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc chuyển nhượng một phần thửa đất thì phải có trích đo địa chính thửa đất”. Thế nhưng trong dự luật lại không quy định người sử dụng đất có quyền được cơ quan quản lý đất đai cấp trích lục bản đồ hoặc trích đo địa chính thửa đất. Như vậy sẽ dễ tiêu cực khi người dân thực hiện các quyền của họ. Đề nghị bổ sung thêm một khoản sau khoản 1 tại Điều 8 (những bảo đảm cho người sử dụng đất) như sau:
“2. Để người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình, cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm cung cấp các loại thông tin cần thiết, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính về đất đai theo yêu cầu của người sử dụng đất, trừ những khu đất có liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước”.
6. Điều 127 khoản 1 điểm a: Về nguyên tắc có hai loại thừa kế là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Mỗi loại này đều có hai trường hợp: Những người thừa kế có thể thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm vào phần đầu như sau:
“Hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất gồm: Giấy chứng tử của người (hoặc những người) để lại di chúc; di chúc đã có hiệu lực pháp luật hoặc biên bản phân chia thừa kế (trong trường hợp không có di chúc) hoặc bản án, quyết định Giải quyết tranh chấp thừa kế về…”.
7. Về từ ngữ: Để bảo đảm tính chuẩn xác của luật, đề nghị bỏ từ “vỡ hóa” tại Điều 10 khoản 2, vì từ này đồng nghĩa với từ khai hoang. Mặt khác trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (xuất bản năm 2002) cũng không có từ này.
Văn phòng luật sư Vương Trọng Thế, vlo@hn.vnn.vn