Suốt 7 giờ truyền hình qua vệ tinh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 chọn biểu diễn qua hội nghị CSI 2016 bốn ca can thiệp tim bẩm sinh phức tạp. Trong đó có trường hợp bệnh nhi 6 tuổi bị thông liên nhĩ, tức là nhĩ phải và nhĩ trái không tách biệt nhau mà xuất hiện lỗ thông chảy máu giữa hai buồng tim. Đa số trẻ mắc tật này đều có tình trạng thủng một lỗ. Ca này do bệnh nhi thủng đến 2 lỗ phức tạp nên ê-kíp đối mặt với nhiều thách thức trong việc đóng thành công hai lỗ thông cùng lúc.
Kết thúc bốn can thiệp lúc 21h ngày 24/6, bác sĩ Đỗ Nguyễn Tín, Phó khoa Tim mạch có mặt tại sân bay lúc 23h cùng ngày để di chuyển sang thành phố Frankfurt (Đức) tiếp tục tham dự và trao đổi tại hội nghị. CSI 2016 (Can thiệp tim mạch trong bệnh tim bẩm sinh, cấu trúc và bệnh van tim) là một trong những hội nghị tim mạch can thiệp nhi khoa hàng năm lớn nhất châu Âu, thu hút khoảng gần 1.000 chuyên gia quốc tế.
Theo bác sĩ Tín, những năm trước Việt Nam chỉ tham dự và báo cáo văn bản trong hội nghị thường niên này. Xen kẽ các bài báo cáo, hội nghị có phần trình chiếu những ca bệnh được các bác sĩ từ nhiều quốc gia thực hiện can thiệp và truyền hình trực tiếp đến. Đây là lần đầu các bác sĩ Việt được tham gia biểu diễn phần thực hành.
"Sau khi thực hiện các ca can thiệp tại Việt Nam và trực tiếp sang Đức trao đổi, nhiều chuyên gia đầu ngành gửi lời khen và có những thảo luận, đánh giá rất tích cực", bác sĩ Tín chia sẻ.
Can thiệp tim mạch bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ những năm 1997 và Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu thực hiện năm 2009. Mỗi năm nơi đây thực hiện can thiệp khoảng 700 trường hợp, giúp hồi sinh cuộc sống của trẻ bệnh tim bẩm sinh. Những năm gần đây ngành tim mạch can thiệp phát triển nhanh, các y bác sĩ Việt đã tiếp cận được với những kỹ thuật tiến bộ hàng đầu. Bên cạnh việc được mời đi giảng dạy và huấn luyện tại nhiều nước, lần góp mặt biểu diễn này thêm phần khẳng định vị thế của can thiệp tim mạch Việt Nam với thế giới.
Lê Phương