Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ sáu, 22/7/2016, 08:27 (GMT+7)

7 điều kỳ lạ về hiện tượng mộng du

Mộng du là hiện tượng một người đột nhiên thức dậy và đi lại trong khi vẫn đang ngủ.

Theo Tech Insider, khoảng 1-5% người trưởng thành ở Mỹ có hiện tượng mộng du, nhưng hầu hết trẻ em bị mộng du tại một số thời điểm. Nguyên nhân là do trẻ em trải nghiệm giai đoạn ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) ít hơn so với người lớn. Tỷ lệ người mắc mộng du cao nhất ở độ tuổi từ 3 đến 7, và thường xảy ra nhất ở những trẻ hay đái dầm. Ảnh: David De Lossy.

Nhiều câu chuyện huyền thoại cho rằng linh hồn rời khỏi cơ thể của con người trong lúc ngủ. Việc đánh thức ai đó đang mộng du được xem là hành động nguy hiểm, khiến họ trở thành người vô hồn. Trên thực tế, chúng ta đánh thức một người đang mộng du sẽ không gây hại cho họ, dù phải gặp nhiều khó khăn để khiến họ tỉnh dậy. Ảnh: Spectral Design.

Một số người mộng du có thể rất bối rối hay sợ hãi sau khi thức dậy. Đàn ông trở nên hung dữ hơn nếu tỉnh giấc trong lúc bị mộng du. Ảnh: HD1 Photography.

Khi một người mộng du, bộ phận não tạo ra các hành vi phức tạp vẫn làm việc. Nhưng phần não lưu trữ ký ức và ra quyết định có ý thức ngừng hoạt động, khiến họ không nhớ mình đã làm gì. 

Trong lúc mộng du, các hành vi của con người được điều khiển bởi phần não chịu trách nhiệm ghi nhớ chuyển động. Điều này giải thích lý do người mộng du chỉ làm những điều mà họ đã làm trước đó. Ảnh: JordanSimeonov.

Mộng du là chứng rối loạn giấc ngủ di truyền. Theo thống kê, gần 80% người bị mộng du có người nhà mắc bệnh tương tự. Một người có tỷ lệ mắc chứng mộng du cao hơn 5 lần người bình thường nếu anh chị em song sinh của họ bị mộng du. Ảnh: Chris Jackson.

Có nhiều cách để ngăn chặn mộng du, chẳng hạn như: tránh uống các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, dành thời gian ngủ trưa, không ăn quá gần giờ đi ngủ, thiết lập thói quen đi ngủ đều đặn và thư giãn. Ảnh: Tech Insider.

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường gắn liền với những căn bệnh thần kinh như Parkinson. Trong giai đoạn ngủ REM, cơ thể người bị tê liệt về mặt chức năng. Tuy nhiên, những người mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ REM không hoàn toàn bị tê liệt, và họ có thể hành động bên ngoài các giấc mơ. Điều này gây ra hiện tượng mộng du, đôi khi làm hại bản thân và những người khác. Ảnh: Flickr.

Lê Hùng