Tháng 3/1005, Lê Đại Hành qua đời, vương triều Tiền Lê lâm vào thế không ổn định.
Long Việt, hoàng tử thứ ba được chọn là người kế vị. Hoàng tử thứ hai là Long Tích và hoàng tử thứ tư là Long Đinh nổi lên chống lại. Tình hình vô cùng rối loạn. Đại Việt sử ký toàn thư viết, các con vua "tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ".
Khi Long Việt lên ngôi, Long Tích phải bỏ chạy và bị giết. Nhưng Long Việt chỉ ở ngôi được 3 ngày thì Long Đĩnh sai người giết và giành lấy ngôi vua vào mùa Đông năm Ất Tỵ (1005), sử chép là Lê Ngọa Triều.
Lê Long Đĩnh lên ngôi, Long Ngận, Long Kính ở Phù Lan và Long Đinh ở Phong Châu nổi lên chống lại. Vua Lê Ngọa Triều đem quân đến vây hãm Phù Lan. Sau vài tháng, trong thành cạn lương, Long Ngận bắt Long Kính giao nộp. Long Kính bị giết còn Long Ngận được tha tội. Sau khi dẹp yên Phù Lan, Lê Ngọa Triều đem quân đánh dẹp Phong Châu. Bên cạnh đó, ông vua này còn tiến hành hàng loạt cuộc hành quân dẹp tan các lực lượng cát cứ.
Lê Long Đĩnh ở ngôi được 5 năm (1005-1009) thì mất. Ông bị đánh giá là kẻ "làm việc càn dở giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo" (Đại Việt sử ký toàn thư ghi).
Nước Đại Cồ Việt đời Lê Long Đĩnh có một số bước phát triển trên cơ sở các thành tựu từ đời Lê Đại Hành, nhưng vì một số hành động của ông trước và sau khi lên ngôi khiến quan lại không còn tin phục. Các quan lại, sư tăng, quân sĩ và nhân dân cả nước đã quá chán ghét nhà Lê và hướng cả về họ Lý.
Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lê Long Đĩnh qua đời. Tháng 11/1009, được sự hậu thuẫn của giới trí thức, sư tăng, sự ủng hộ của quân sĩ và nhân dân, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, chấm dứt triều Tiền Lê sau 29 năm tồn tại (từ 981 đến 1009) và lập ra triều Lý, mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của Văn hóa Thăng Long - Văn minh Đại Việt, cho lịch sử đất nước và dân tộc.
Thanh Tâm
>>Trắc nghiệm về triều đại Tiền Lê kéo dài gần 30 năm
>>7 câu hỏi về ông vua trị vì lâu nhất triều Nguyễn