Thứ sáu, 20/9/2024
Chủ nhật, 22/11/2020, 02:08 (GMT+7)

7 cấm địa du khách không thể tới

Những vùng đất nguy hiểm, được bảo vệ nghiêm ngặt, hoặc quá đặc biệt như Đặc khu 51 ở Mỹ, lăng Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, Đảo Rắn Brazil... hầu như ít ai được tới.

Đặc khu 51, Nevada, Mỹ

Đặc khu 51 là biệt danh một căn cứ địa của Không quân Mỹ - Căn cứ Không quân Edwards, nằm ở Nam Nevada. Cơ sở này hoạt động bí mật, là nơi thử nghiệm máy bay và vũ khí. Những người theo thuyết âm mưu cho rằng tại đây chính phủ Mỹ lưu trữ một UFO bị rơi, người ngoài hành tinh và các bằng chứng từ một vụ tai nạn người ngoài hành tinh hạ cánh xuống Roswell, New Mexico năm 1947.

Khu vực xung quanh Đặc khu 51 là điểm du lịch nổi tiếng cho những người đam mê vũ trụ và sự sống ngoài trái đất nhưng việc tiếp cận Đặc khu 51 là cấm kỵ. Chỉ các nhân viên tình báo và quân nhân có giấy phép đặc biệt mới được vào. Vùng trời phía trên căn cứ có thể được bảo vệ bằng vũ khí phòng không và máy bay chiến đấu. Ảnh: Popular Mechanics

Đảo Rắn, Brazil

Ilha da Queimada Grande, hay Đảo Rắn, là một hòn đảo rộng 43 ha, cachs bờ biển Sao Paulo khoảng 320 km. Hòn đảo này là nơi sinh sống của một trong những loài rắn độc nhất thế giới, rắn hổ lục đầu vàng. Nọc độc của loài rắn này mạnh hơn acid và có thể ăn qua da thịt.

Có hơn 4.000 cá thể rắn hổ lục đầu vàng trên đảo, nhưng truyền thuyết địa phương cho rằng cứ bạn cứ đi 5 m sẽ gặp một con. Chính phủ Brazil đã cấm khách đặt chân lên đảo, trừ ngoại lệ duy nhất: Cứ vài năm một lần, chính phủ sẽ cấp giấy phép lên đảo cho một số nhà khoa học tới nghiên cứu về rắn. Ảnh: World Atlas

Đảo Bắc Sentinel, quần đảo Andaman, Ấn Độ

Hòn đảo nhỏ với rừng rậm ở vịnh Bengal này được bao bọc hoàn toàn bởi rạn san hô nên rất khó tiếp cận bằng thuyền. Tuy nhiên, vấn đề địa lý không phải trở ngại chính khiến hòn đảo thành cấm địa. Đảo Bắc Sentinel là nơi sinh sống của bộ tộc bản địa Sentinelese, những người từ chối tiếp xúc với các bộ tộc khác. Họ là một trong những cộng đồng cuối cùng trên thế giới được bảo vệ nguyên vẹn trước nền văn minh hiện đại.

Sau trận động đất lớn ở Ấn Độ Dương năm 2004 và thảm hoạ sóng thần, các máy bay trực thăng nghiên cứu đánh giá thiệt hại trong khu vực bị tấn công bởi người Sentinelese bằng cung tên và đá. Năm 2008, hai ngư dân trong lúc chèo thuyền vô tình lạc vào địa phận của hòn đảo đã bị bộ lạc giết chết. Ảnh: Gautam Singh

Ngân hàng hạt giống tận thế, Na Uy

Ngân hàng độc đáo này nằm trên quần đảo Svalbard thuộc Na Uy, cách Bắc cực 1.300 km là một trong những căn hầm bí mật lớn nhất lưu trữ hạt giống cho toàn thế giới. Chính thức khai trương vào tháng 2/2008, cơ sở này lưu trữ hơn 1 triệu mẫu của 4.000 loại hạt giống khác nhau từ khắp nơi. Ý tưởng đằng sau ngân hàng hạt giống là cung cấp mạng lưới an toàn chống lại sự mất cân bằng sinh thái trong trường hợp có thảm hoạ tự nhiên, chiến tranh hay biến đổi khí hậu.

Nằm sâu 120 m dưới lớp băng vĩnh cửu, căn hầm giống như hộp ký gửi an toàn, cho phép các tổ chức hoặc chính phủ "gửi" các biến thể hạt giống trong kho và không ai có thể mở, sở hữu hay loại bỏ hạt giống ngoài họ. Cơ sở rộng 1.000 m2 được bảo vệ bởi hệ thống an ninh tiên tiến và quyền ra vào bị hạn chế nghiêm ngặt. Mỗi năm, kho lưu trữ hạt giống chỉ mở cửa 3 - 4 lần để nhận các mẫu hạt giống mới. Ảnh: Croptrust

Khu lưu trữ bí mật Vatican, Vatican

Bên trong các bức tường của thành phố Vatican, nằm sâu dưới lòng đất là Kho lưu trữ bí mật Vatican, nơi giữ kho tàng lịch sử rộng lớn về các hoạt động của Tòa thánh, các tài liệu, giấy tờ nhà nước, sổ sách kế toán của Giáo hoàng và thư từ chính thức khác từ thế kỷ thứ 8. Kho này là ngôi nhà an toàn cho những bảo vật lịch sử như thư của Michelangelo, thư từ Mary Nữ vương của người Scot viết trong khi bà đang chờ bị hành quyết, thư của Vua Henry 8 yêu cầu hủy hôn…

Các tài liệu lưu trữ đã trở thành tài sản chính thức của Đức Giáo Hoàng hiện tại, với ước tính khoảng 35.000 tài liệu lưu trữ trên những chiếc kệ dài 83 km. Ngoại trừ rất ít nhân viên chăm sóc được phép vào kho, nơi đây bị giới hạn nghiêm ngặt, chỉ cho phép các học giả trình độ đại học trở lên vào. Ảnh: Epochalnisvet

Đền Ise Grand, Nhật Bản

Đền Isa, nằm ở thị trấn Uji-tachi thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản, là một quần thể đền thờ Thần đạo dành riêng cho nữ thần Amaterasu-omikami. Công trình gồm hai đền thờ chính và khoảng 125 đền phụ. Dù ngôi đền được cho là xây dựng từ thế kỷ thứ 3, nhưng các công trình trong khu đền đều được tháo dỡ và thay thế sau mỗi 20 năm, gần đây nhất là vào năm 2013. Đó là tập tục để phù hợp với niềm tin của Thần đạo về cái chết và sự đổi mới.

Một trong những ngôi đền chính là nơi chứa "Gương thiêng" hay Yata no Kagami, một phần của Vương quyền Nhật Bản. Từ bên ngoài có thể nhìn thấy rất ít bên trong khu đền ngoại trừ hàng rào và phần mái ngói của các tòa nhà. Chỉ các vị tư tế cấp cao nhất - thành viên của Hoàng gia Nhật Bản mới được phép đi vào bên trong đền. Ảnh: klook

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc

Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, qua đời vào năm 210 trước Công nguyên, và được chôn sâu dưới một ngọn đồi ở miền trung Trung Quốc. Khu lăng mộ bao gồm một mạng lưới phức tạp gồm nhiều hang động dưới lòng đất chứa từ các bản sao đất sét của quân đội, gia đình, tới người hầu, ngựa.

Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào năm 1974, hơn 2.000 bức tượng đất nung đã được khai quật, mỗi tượng một vẻ và các chuyên gia tin rằng có thể có hơn 8.000 tượng xung quanh mộ trung tâm vẫn chưa được khám phá. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể không bao giờ cho phép khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vì họ tôn trọng các nghi thức mai táng cổ xưa. Và do đó du khách càng không có cơ hội để bước chân vào khu mộ linh thiêng này. Ảnh: NatGeo

Bảo Châu (theo Mentalfloss)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net