Cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí thông minh ở trẻ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người lớn luôn cảm thấy bận rộn, hiếm khi có thời gian để cùng trẻ chơi những trò không đầu, không cuối hoặc không mang lại lợi nhuận. Người lớn luôn có rất nhiều công việc quan trọng hơn, đáng làm hơn là dành thời gian để chơi cùng trẻ. Thật là sai lầm đáng tiếc nếu ai đó nghĩ như vậy, bởi thông qua việc chơi cùng trẻ, bạn hiểu được tính cách của con mình và khả năng của trẻ trong mỗi giai đoạn phát triển.
Dưới đây là một số phương pháp để cha mẹ có thể giúp con phát triển trí thông minh (IQ):
1. Chơi những trò chơi kích hoạt não như: xếp hình, cắt dán, tô màu, vẽ, tạo hình các con vật từ các vật liệu như củ quả, lá cây, phân biệt màu sắc, hình dạng, kích thước, so sánh phân loại con vật, đồ vật theo đặc điểm, suy luận nếu... thì..., suy luận nhân quả.
Tất cả những trò chơi này đóng một vai trò quan trọng trong việc việc hình thành khả năng tư duy, giúp trẻ phát triển các dạng thức thông minh khác nhau. Cha mẹ cần tạo cảm xúc tích cực trong khi chơi, và chuyển trò khác khi bé tỏ ra chán.
2. Trò chơi ngôn ngữ: xếp một nhóm chữ cái thành những cái tên có ý nghĩa (ví dụ tên con vật, quả, tên người...). Trò này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nhờ sự trợ giúp của cha mẹ, trẻ sẽ biết cách diễn tả những từ vựng, thành ngữ... Một cách khác là kể chuyện, đọc thơ, nhìn tranh tưởng tượng thành câu chuyện.
3. Trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt. Sử dụng bữa ăn tối như là thời điểm để nói và lắng nghe. Thông qua đó, trẻ sẽ học được hầu hết mọi thứ từ cha mẹ, cảm thấy được lắng nghe và được đánh giá tốt, nhờ thế trẻ sẽ thông minh hơn. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe về ngày làm việc của mình, thảo luận về những sự kiện (chẳng hạn sinh nhật bé, học ở trường như thế nào...), thậm chí có thể thảo luận về một bài báo, một bức tranh...
4. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng học âm nhạc có thể làm tăng thành tích học tập của trẻ. Nếu con bạn có hứng thú học tập với một dụng cụ âm nhạc nào, hãy khuyến khích để bé học.
5. Hướng cho trẻ vào các tình huống kích thích các cảm xúc tích cực. Tổ chức cho trẻ các chuyến đi tới viện bảo tàng, vườn thú, công viên, siêu thị, đi về quê, picnic, dã ngoại, ra sân bay... Khuyến khích trẻ nói về những gì chúng nhìn thấy, cảm nhận trước, trong và sau những chuyến đi đó. Chính ngôn ngữ và xúc cảm là "bệ phóng" để phát triển tư duy.
6. Chế độ nuôi dưỡng: Một đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt và có sức khỏe sẽ có bộ óc khỏe mạnh, cũng như mức độ tập trung tốt hơn. Thức ăn cho trẻ nên có một số thực phẩm rất tốt cho não: Các loại cá - ít nhất là 2 bữa một tuần; Các loại hoa quả tươi; Sữa; Trứng; Rau xanh; Thịt ít mỡ... Không bao giờ được để trẻ đến trường mà trong dạ dày chưa có gì. Bữa ăn sáng cho trẻ nên có nhiều hydratcarbon như bánh mì hay ngũ cốc.
7. Làm các bài tập trí thông minh cùng trẻ. Chẳng hạn các bài tập suy luận lôgic: cài gì đi cùng cái gì theo đôi, theo cặp, theo nhóm; phát hiện các chi tiết thiếu, chi tiết không hợp lý trong các bức tranh...
Nếu cha mẹ gặp khó khăn về phương pháp thiết kế các bài tập, các tình huống trò chơi hãy tham vấn các chuyên gia tâm lý trẻ em hoặc tham dự các khóa học về phương pháp giúp trẻ phát triến trí tuệ tại trường Mầm non Hoàng Gia, 343 Đội Cấn, Ba Đình hoặc 37 Tạ Quang Bửu, Bách Khoa Hà Nội, Tel: 04 762 4788.
PGS Nguyễn Công Khanh &Ths. Nguyễn Thành Đoàn
Chuyên gia tâm lý Trường Mầm Non Hoàng Gia