Nếu đang tìm cách giải quyết tình huống căng thẳng về tài chính, bạn cần lưu ý đến 7 giải pháp quan trọng sau.
Tìm hiểu căng thẳng tiền bạc đến từ đâu
Một số nguồn gây căng thẳng tài chính phổ biến bao gồm: Không thể thanh toán hóa đơn hoặc không thể thanh toán đúng hạn; Mức nợ cao; Không có tiền cho những chi phí khẩn cấp; Mất việc hoặc bạn lo lắng rằng mình có thể bị sa thải.
Liệt kê đúng và đủ các yếu tố gây căng thẳng chính là cách để bạn có thể suy nghĩ cách bắt đầu giải quyết những vấn đề đó.
Mỗi năm bạn nên dành hai-ba lần để xem xét, cập nhật danh sách này.
Lập ngân sách hoặc kế hoạch chi tiêu
Điều đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu thu nhập ròng của bạn là bao nhiêu.
Nếu bạn chỉ có một công việc, cần xem xét tiền lương của mình để biết bạn kiếm được bao nhiêu (sau thuế) trong mỗi kỳ lương. Nếu bạn có một công việc phụ hoặc một công việc có giờ giấc không nhất quán, hãy thử tính trung bình số tiền bạn kiếm được trong một năm hoặc ba tháng qua.
Tiếp theo, cần xem lại hoặc theo dõi chi tiêu của mình để xem tiền đang đi đâu. Hãy tìm ra những chi phí nào thực sự cần thiết và những chi phí nào có thể cắt giảm.
Ngân sách phản ánh những gì quan trọng nhất và giúp bạn cắt giảm những khoản không quan trọng. Bằng cách xếp hạng chi tiêu và xem chính xác tiền đã đi đâu, bạn có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau.
Sử dụng ngân sách là cách nắm được khi nào bạn có tiền đến cũng như biết khi nào hóa đơn đến hạn. Với sự trợ giúp của ngân sách, bạn có thể thiết lập một hệ thống giúp bạn theo dõi các mục tiêu chi tiêu và tiết kiệm, đồng thời có khả năng giảm mức độ căng thẳng.
Lập quỹ dự phòng khẩn cấp
Dành tiền để giải quyết các trường hợp khẩn cấp có thể mang lại sự yên tâm. Quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn mua một bộ lốp mới cho ôtô hoặc thay thế một thiết bị nhỏ. Bắt đầu bằng cách xây dựng quỹ quy mô nhỏ, ví dụ một vài trăm nghìn mỗi tuần. Khi tài chính của bạn được cải thiện, có thể tăng số tiền thêm vào quỹ khẩn cấp.
Tăng thu nhập
Mặc dù việc tìm cách cắt giảm có thể giúp giảm chi phí thường xuyên và bớt một số căng thẳng về tài chính, nhưng đôi khi thu nhập thêm có thể hữu ích. Hãy cân nhắc việc yêu cầu tăng lương ở nơi làm việc hoặc nhận thêm ca.
Nếu có thời gian, bạn có thể kiếm thêm tiền bằng những công việc tay trái. Số tiền đó có thể được sử dụng để trả một số khoản nợ hoặc tăng cường quỹ khẩn cấp. Với một ít tiền trong túi, bạn có thể thấy bớt căng thẳng hơn khi tiến tới mục tiêu của mình.
Tự động hóa một số giao dịch tài chính
Nếu bạn không thể nhớ khi nào mình phải thanh toán hóa đơn và liên tục phải trả phí trễ hạn, đó có thể là nguyên nhân gây căng thẳng. Tự động hóa có thể giúp bạn. Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng cho phép bạn thiết lập thanh toán tự động hàng tháng.
Cải thiện phong cách chia sẻ về tiền bạc
Đôi khi, căng thẳng tài chính có liên quan đến việc chia sẻ với bạn đời. Có lẽ bạn không nói về những khoản mua sắm lớn hoặc bạn chưa thống nhất được mục tiêu tiền bạc của mình với nửa kia. Việc không nói rõ ràng về tiền bạc có thể làm tăng thêm căng thẳng tài chính hiện có, ngay cả khi đó không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra mối lo ngại.
Nên có sự giao tiếp tài chính lành mạnh với nửa kia và cố gắng dành thời gian để ngồi lại với họ và thảo luận về tài chính. Đôi khi tiền gây ra cảm xúc căng thẳng trong các cuộc thảo luận, vì vậy tạo cảm giác thoải mái nhất có thể là một phần quan trọng để giữ mọi thứ thân thiện, hòa hợp.
Nhận lời khuyên và sự giúp đỡ từ bên ngoài
Đừng cho rằng bạn phải làm việc này một mình. Đôi khi có được cái nhìn từ bên ngoài có thể giúp bạn xác định rõ hơn những lĩnh vực mà bạn có thể cải thiện. Với sự giúp đỡ từ người khác, bạn có thể lập một kế hoạch hiệu quả để tiết kiệm cho những mục tiêu quan trọng nhất của mình và trả nợ.
Thùy Linh (Theo Time)