Ra mắt vào năm 1994, Yahoo là một trong những công ty lớn tuổi trong làng công nghệ thế giới nhưng vài năm gần đây kinh doanh đi xuống vì sự cạnh tranh của các đối thủ như Google, Facebook.... Trước khi trở thành CEO của Yahoo vào năm 2012, Marissa Mayer (39 tuổi) là Phó giám đốc Tìm kiếm sản phẩm và kinh nghiệm tiêu dùng của Google. Để phục hồi công ty đang tuột dốc, nữ CEO đã thực hiện những chiến lược tức thì sau khi nhậm chức.
1. Thiết kế lại hình ảnh thương hiệu
Từ năm 2009, ban lãnh đạo Yahoo đã muốn cải tổ lại hình ảnh công ty nhưng việc này không thực hiện được cho đến khi Mayer lên điều hành. Bà cho thiết kế lại trang chủ, logo của Yahoo cũng như các tính năng trong ứng dụng email và Flickr.
"Giao diện chính của Yahoo hiển thị những tin tức mới nhất, thay đổi này đã phần nào thành công. Đó là một trang thông tin nhưng lại tạo cảm giác cho người đọc như đang dùng trang Twitter cá nhân", một nhà phê bình thiết kế web cho biết.
2. Biến Yahoo trở thành thói quen cho người dùng
Theo Bloomberg, Mayer đặt mục tiêu đưa Yahoo trở thành trang web quen thuộc hàng ngày. Năm 2013, hãng mua lại ứng dụng tin tức ứng dụng tổng hợp trên điện thoại Summly, sau đó đổi tên thành Yahoo News Digest. Ứng dụng này luôn cập nhật các tin vắn mới nhất vì Yahoo nhận ra người đọc không hứng thú với những thông tin dài dòng. Nội dung được gửi đến người dùng hai lần một ngày, một bước trong kế hoạch khiến cho người sử dụng hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm của Yahoo.
3. Thuê hàng trăm kỹ sư và biên tập viên
Khi Mayer đến, Yahoo chỉ có khoảng 40 kỹ sư điện thoại và hiện tại con số này đã lên đến gần 400 người. Yahoo cũng cho tăng gấp đôi số biên tập viên giỏi. Những tên tuổi như David Pogue (cựu phóng viên công nghệ của tạp chí New York Times), ngôi sao truyền hình Katie Couric đều đầu quân cho Yahoo.
4. Mua lại các công ty nhỏ
Yahoo đã mua gần 40 công ty công nghệ nhỏ từ khi Mayer lên làm sếp và thương vụ lớn nhất là mua lại mạng xã hội Tumblr với giá 1,1 tỷ USD.
Nữ CEO cho biết Yahoo thực hiện ba cách: mua lại các công ty nhỏ tiềm năng (chủ yếu trong lĩnh vực điện thoại di động), mua lại doanh nghiệp chiến lược nhằm tăng sức mạnh cho ứng dụng của hãng và thâu tóm những công ty lớn như Tumblr, giúp thương hiệu có thêm phân khúc khách hàng mới.
5. Tập trung phát triển ứng dụng trên điện thoại
Vào tháng 1/2012, Yahoo tuyên bố ưu tiên cho mảng di động. Trong bản báo cáo hàng năm hồi tháng 2, hãng cho biết có 400 triệu người truy cập bằng điện thoại trong tổng 800 triệu người sử dụng, tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 10/2012. Tuy nhiên, doanh thu từ lĩnh vực này không quá ấn tượng.
"Nguồn doanh thu chính của Yahoo không đến từ điện thoại di động và các đối thủ cạnh tranh đều có doanh thu từ mảng này lớn hơn rất nhiều", báo cáo cho biết. Do đó, công ty Internet này phải tìm cách phát triển các sản phẩm hấp dẫn người sử dụng mới có hy vọng tăng vị thế cạnh tranh, tài chính.
6 . Phát triển theo chiều dọc
Tại CES 2014, hội thảo công nghệ lớn nhất diễn ra tại Las Vegas (Mỹ), Yahoo đã công bố một loạt thương hiệu mở rộng khác như tạp chí số Yahoo Magazines, tạp chí công nghệ Yahoo Tech, công ty quảng cáo Yahoo Advertising và ứng dụng kết nối truyền hình Smart TV...
Giám đốc biên tập của Yahoo Tech, Rafe Needleman trả lời với TechCrunch rẳng các mảng dọc của công ty ra đời nhằm cung cấp tin tức chuyên biệt cho phân khúc người dùng chung.
7. Kết thân với đối thủ cạnh tranh
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Mayer cho biết Yahoo không sở hữu hãng điện thoại, hệ điều hành, trình duyệt, hay mạng xã hội nào. Vì công ty không có chỗ đứng vững chắc trong các lĩnh vực công nghệ như Apple, Google và Facebook, bà Mayer cho rằng cần phải có mối quan hệ đối tác vững chắc với các công ty trên.
"Trong mảng hệ điều hành, chúng tôi hợp tác với Apple và Google. Còn về mạng xã hội, đối tác sẽ là Facebook. Chúng tôi sẵn sàng cộng tác với các đối thủ lớn để tăng cường trải nghiệm cho người dùng Yahoo", nữ lãnh đạo của Yahoo chia sẻ.
Thu Trang