Mẫu xét nghiệm được lấy vào ngày 16-17/5, trong đợt các nhân viên y tế khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ dân thôn Đông Mai. Thời điểm ấy thôn có 335 trẻ thì 317 em được lấy mẫu xét nghiệm chì. Kết quả cho thấy 207 cháu (65%) bị nhiễm độc chì, cần phải điều trị thải độc. Trước đây xét nghiệm 109 cháu thì có 33 mẫu cho kết quả nhiễm độc chì..
Thôn Đông Mai nằm trên địa bàn xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, hàng chục năm nay chuyên nghề tái chế chì. Từ những năm 70, người dân nơi đây chuyển sang thu mua ắc quy cũ hỏng về tháo dỡ để lấy chì. Họ đun nấu bằng dụng cụ thô sơ, bình ắc quy thải bỏ ngay trong khuôn viên gia đình. Khói từ những lò đun nấu phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến không khí, đất, nước và sức khỏe con người.
Sáng 28/5, tại cơ sở sản xuất Vân Loan, ắc quy hỏng vứt la liệt, 2 phụ nữ đang đập những chiếc bình ắc quy để lấy chì. Một người cho biết đã làm công việc này 25 năm, chồng chị làm được 15 năm; mỗi ngày thu nhập hai vợ chồng 150.000 đồng. Gia đình chị có 3 con, cháu trai nhỏ nhất 2 tuổi mới làm xét nghiệm chì nhưng chưa có kết quả.
“Biết công việc độc hại nhưng chúng tôi không còn việc gì khác nên vẫn phải làm. Về nhà thì chịu khó rửa chân tay sạch sẽ, sau đó tắm rửa”, người phụ nữ 41 tuổi này cho biết. Kết thúc buổi làm việc, chị vẫn mặc nguyên bộ quần áo bám đầy bụi chì sau khi đập ắc quy để về nhà với con.
Theo Phó chủ tịch huyện Văn Lâm, ông Lê Văn Thủy, hiện thôn Đông Mai còn 13 hộ gia đình thu mua, tái chế ắc quy trong khu vực làng. Dự kiến từ nay đến 2017, địa phương sẽ cưỡng chế di dời toàn bộ số hộ này ra khu tập trung. Số còn lại đã cưỡng chế di dời đến khu quy hoạch cách vùng dân cư 1,5 km.
Thị sát thôn Đông Mai sáng 28/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình ô nhiễm chì tại đây thực sự đáng báo động. 13 hộ vẫn còn thu mua tháo dỡ chì ở rìa làng, tiếp tục gây ô nhiễm cho làng.
Cuối năm 2014, Bộ Y tế đã giao Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xét nghiệm mẫu đất, nước, không khí, thực phẩm nuôi trồng trên đất tại thôn Đông Mai. Kết quả cho thấy nơi đây bị nhiễm độc chì rất nặng. Nước bề mặt tại các con kênh, rạch quanh làng có nồng độ chì cao gấp hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn. Rau muống cũng nhiễm chì cao hơn tiêu chuẩn 1,3 lần.
Đập ắc quy cũ lấy chì tái chế
Thứ trưởng cũng cho rằng địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền về ý thức phòng tránh ô nhiễm chì. Hiện người dân vẫn nuôi trồng trên khu vực đất nước bị nhiễm chì. Trẻ vô tư nô đùa ngay khu vực tái chế chì. Một số người dân đến cơ sở tái chế chì làm việc rồi mặc nguyên bộ quần áo nhiễm chì mang về nhà gây ô nhiễm trong gia đình và ảnh hưởng đến sức khỏe người thân, đặc biệt là trẻ con. Thứ trưởng Long yêu cầu địa phương khẩn trương di dời 13 hộ này, đồng thời tiến hành xử lý đất, nước, không khí; đảm bảo tất cả người dân đều được sử dụng nước sạch. Hiện chỉ 200 trong số hơn 600 hộ trong thôn được dùng nước sạch, còn lại dùng nước giếng khoan qua bình học hết sức đơn giản.
“Những cơ sở tái chế chì phải thực hiện nghiêm quy định công nhân mặc đồ bảo hộ, có khu tắm rửa, bắt buộc họ phải tắm rửa, thay quần áo trước khi về nhà. Địa phương có trách nhiệm giải quyết môi trường”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.
“Thu mua tái chế ắc quy là nghề truyền thống của dân làng. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật khắc phục ô nhiễm, xử lý ô nhiễm nước ắc quy thải, di chuyển toàn bộ chất thải rắn nguy hại còn ở trong khu dân cư”, ông Thủy đề xuất.
Theo tiến sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, để thải độc chì cho trẻ hiệu quả thì cần phải ngừng ô nhiễm chì, ngừng tiếp xúc chì. Đáng sợ nhất là không khí, bụi nhiễm chì từ các lò tái chế, từ đất ô nhiễm. Trẻ hít phải, chơi lê la quanh khu vực tái chế chì, tay bẩn đưa vào miệng nên vô tình đưa chì xâm nhập vào cơ thể.
Trẻ con nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần, mất khả năng học tập, giảm trí tuệ thông minh. Thải độc chì cần thời gian dài. Bình thường chỉ uống thuốc cam một lần mà trẻ đã bị ngộ độc chì, mất đến 2 năm mới hoàn thành quá trình thải lượng độc chất này.
Nam Phương