Năm 1971, khi ông Nishihata Tamotsu 35 tuổi đã gặp bà Kyoko người cùng tuổi qua sự giới thiệu của một người bạn. Nhìn thấy sự dịu dàng và tốt bụng của cô gái, chàng trai đã yêu từ cái nhìn đầu tiên. Họ kết hôn sau 6 tháng hẹn hò.
Nishihata khi đó làm việc bán thời gian tại một nhà hàng sushi. Anh luôn chăm chỉ kiếm tiền nuôi gia đình và mong muốn có cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, người đàn ông này giữ một bí mật lớn không dám nói với vợ: Anh không biết chữ.
Nửa năm sau, khi đó cặp vợ chồng được yêu cầu ký vào một văn bản. Kyoko ký xong vẫn thấy chồng ngơ ngác, chần chừ hồi lâu rồi mới đặt bút nguệch ngoạc một cách ngẫu nhiên. Những gì Nishihata viết không phải là chữ.
Sự thật về việc không biết đọc biết viết của người chồng lúc đó bị bại lộ.
Nishihata Tamotsu sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo tại ngôi làng miền núi tỉnh Wakayama. Khi còn nhỏ, người mẹ qua đời sớm, người cha nuôi các con bằng nghề bán than. Tamotsu từ khi còn bé xíu đã giúp cha làm việc từ sáng đến tối, học chưa hết mặt chữ đã phải bỏ.
"Một lần giáo viên nghi ngờ tôi ăn trộm tiền. Các bạn cùng lớp cũng bắt nạt tôi", Nishihata kể lại. Ngày nào đến trường cũng bị gọi là "đồ ăn trộm" khiến cậu bé xấu hổ, không chịu đến trường.
Năm Nishihata 15 tuổi, anh xin làm phục vụ quán ăn ở tỉnh Nara. Bất cứ khi nào không thể viết được thông tin đơn hàng, anh lại hứng chịu những trận la mắng. Tamotsu kể lại rằng: "Một số nhân viên đã giúp đỡ tôi ghi lại thông tin từ điện thoại của khách hàng, nhưng cũng có người rời đi khi điện thoại đổ chuông. Tôi cảm thấy rất đau khổ và đã nghỉ làm".
Vì không biết viết và đọc, Nishihata thường xuyên thay đổi công việc. Năm 30 tuổi, anh kiếm được công việc thời vụ ở một nhà hàng sushi, nơi đã hiểu và thông cảm cho những khó khăn chàng trai phải đối mặt.
Cho đến khi gặp Kyoko, Nishihata Tamotsu vẫn mù chữ nhưng vì quá xấu hổ nên không dám nói với cô điều này. Sau khi phát hiện ra, người vợ thay vì tức giận còn động viên chồng. "Vậy từ giờ chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nhé".
Thời gian sau đó, nếu cần viết lách gì, người vợ sẽ chủ động giúp đỡ chồng. Họ sinh được hai cô con gái, cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.
Vào một ngày năm 2000, ở tuổi 64, sau giờ làm việc khuya tại cửa hàng sushi, Nishihata bỗng gặp những người lớn tuổi vừa rời khỏi trường trung học gần nhà. Hỏi ra mới biết, họ theo học lớp ban đêm dành cho những người chưa được đi học bởi nhiều lý do.
"Chính là nó. Đó là những gì anh muốn". Nishihata Tamotsu nói nguyện vọng đi học để biết đọc biết viết với vợ và nhận được sự ủng hộ. Mong ước của ông khi này là biết chữ để viết thư tình gửi cho bà, điều mà thời trẻ chưa thực hiện được.
Năm buổi mỗi tuần, Nishihata lại cắp sách vở đến lớp học buổi tối. Ông tập đọc tập viết như trẻ học vỡ lòng. Vì tuổi cao, hay quên nên Nishihata gặp khó khăn trong việc nhận biết mặt chữ nên phải viết đi viết lại. Sau 6 tháng, ông có thể viết được tên và địa chỉ của mình. Sau vài năm, mới đọc hiểu hết chữ và đọc báo trở thành thói quen thường ngày của người đàn ông này.
Đêm Giáng sinh năm 2006, người đàn ông 70 tuổi vẫn đến lớp học ban đêm nhưng để lại một bức thư gửi vợ trên mặt bàn. Đây là bức thư tình đầu tiên ông viết cho bà sau 35 năm chung sống. Ở trang đầu Nishihata viết: "Đây là năm thứ 35 anh kết hôn với em. Nhân dịp Giáng sinh, anh viết thư này gửi lòng biết ơn đến em. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục sống lâu dài bên nhau. Cảm ơn em đã luôn ở bên anh".
Mặc dù chữ viết chưa gọn gàng và có nhiều lỗi chính tả, nhưng bức thư dài 7 trang đã khiến người vợ rơi nước mắt. Nishihata sau đó vẫn bền bỉ đến lớp học, tiếp tục viết lá thư tình thứ hai rồi thứ ba gửi vợ.
Khi ông chuẩn bị gửi bức thư tình thứ tư thì Kyoko đột ngột qua đời vì một cơn đau tim, đúng vào đêm Giáng sinh năm 2014.
Sau tang lễ vợ, Nishihata còn chăm chỉ hơn trước. Sau 20 năm bền bỉ, vào ngày 15/3/2020, ông được trường THCS Kasuga Thành phố Nara tổ chức lễ tốt nghiệp ở tuổi 84. Lúc nhận hoa và bằng tốt nghiệp đầu tiên trong đời, người đàn ông phát biểu: "Nếu có thể nhìn thấy tôi bây giờ, chắc chắc Kyoko sẽ rất hạnh phúc".
Sau khi tốt nghiệp, Nishihata Tamotsu học thêm cách đánh máy để chia sẻ câu chuyện của bản thân tới nhiều người hơn. Ở tuổi 87, hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội trường trung học cơ sở Kasuga hệ buổi tối. Trong lễ thành lập 38 năm lớp học này vào tháng 11/2023, ông đã có bài phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học.
Câu chuyện của ông Nishihata Tamotsu sau đó đã được một nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản dựng thành kịch, biểu diễn tại các nhà hát lớn.
Trang Vy (Theo postseven, mainichi)