64 tấm gương giáo viên cắm bản đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Sự kiện tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/11.
Không chỉ thương trẻ và yêu nghề, 32 thầy cô người Kinh và 32 giáo viên dân tộc thiểu số đều gắn bó hàng chục năm với các điểm trường vùng sâu vùng xa. Những tấm gương tiêu biểu phải kể đến là thầy Lò Văn Xuân với 35 năm giảng dạy tại huyện nghèo Sốp Cộp (Sơn La); cô Nguyễn Thị Hương Bình có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục huyện vùng biên Quản Bạ (Hà Giang); thầy Lê Đình Thường gieo chữ gặt người 18 năm ở huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam)...
Ngoài ra còn có nhiều giáo viên trẻ chỉ mới đôi mươi nhưng nhiệt tâm với nghề và đạt nhiều thành tích giảng dạy như cô Đàm Thị Thu Thủy (mẫu giáo Thải Giàng Phố, Bắc Hà, Lào Cai), cô Phùng Thị Huyền (mầm non Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên) với 4 năm giảng dạy tại thôn bản.
![Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long trao bằng tuyên dương cho các thầy cô cắm bản.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/11/18/Anh-3-7944-1447817483.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5MLeSsKwwQI30y51IF3iqQ)
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cùng Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long trao bằng tuyên dương cho các thầy cô cắm bản.
Buổi lễ khiến nhiều người tham dự xúc động với phóng sự thầy cô cắm bản sống thiếu thốn, nhưng vẫn cố gắng bám trụ để mang cái chữ đến với học sinh vùng cao. Không ít thầy cô giáo gắn bó cả cuộc đời với bản làng. Vì thương học sinh thiệt thòi, có cô giáo Lạng Sơn còn vào tận thôn bản ở đại ngàn Tây nguyên để giảng dạy. Ngoài dạy học, họ còn tận tâm dạy người dân kỹ thuật trồng hoa màu và chăn nuôi tăng gia sản xuất.
"17 năm trong nghề chưa bao giờ tôi chùn bước, luôn đứng vững và phấn đấu cống hiến cho ước mơ đem cái chữ đến với con trẻ", cô giáo Hoàng Thị Hương thuộc điểm trường Phia Viềng, tiểu học Thị Xuân, huyện Thông Nông, Cao Bằng chia sẻ.
Công tác tại huyện nghèo, các thầy cô giáo cắm bản sống biệt lập với thế giới bên ngoài khi không có sóng điện thoại, không điện đường giao thông... Mỗi khi muốn gọi điện về nhà, cô Lò Thị Chiển (mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) phải trèo lên cây để đón chút sóng chập chờn. Thầy Nguyễn Hồng Hiệp (tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, Nghệ An) cũng phải cắm bản trong suốt 15 năm vì đường vào trường xấu đến mức xe máy không vào được... Dù khó khăn, song mong ước lớn nhất của họ là học sinh đến trường đông đủ, không có em nào bỏ học, hay mùa đông thiếu cơm ăn áo mặc.
Là một trong những giáo viên trẻ nhất, cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi) cũng là một người mẹ yêu con. 4 năm cắm bản tại trường mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên, cô Huyền hiếm khi được gặp con, phải gửi bé về quê nhờ ông bà chăm nom.
"Trong lần này xuống Hà Nội dự lễ tuyên dương này, tôi mới được ngủ cùng con một đêm. Ngày hôm sau chia tay mà không dám đứng trước mặt bé. Mỗi khi xa con, tôi không biết nói gì cả, chỉ biết khóc. Thế nhưng, xa trường thì lại nhớ các con ở lớp. Các con ở điểm bản luôn chờ thầy cô đến dạy bảo", cô Huyền chia sẻ.
![64-giao-vien-cam-ban-vung-cao-2](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/11/18/17-11-201513-5732-1447817483.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NbfMqksbte0BRSnWSPhY9Q)
Cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi) có 4 năm công tác tại trường mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên.
Nhằm chia sẻ một phần khó khăn với giáo viên vùng cao, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long đã trao tặng 64 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng cho 64 thầy cô giáo. Ngoài ra, chương trình còn tặng thêm 280 tấm chăn ấm cho học sinh điểm lẻ trường mầm non.
"64 giáo viên được tuyên dương là đại diện tiêu biểu của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, với tinh thần tình nguyện công tác vùng khó khăn và lòng cống hiến tận tụy cho sự nghiệp giảng dạy. Không chỉ mang con chữ đến với học trò, cá nhân mỗi giáo viên cắm bản còn là tấm gương sáng cho các em noi theo và vươn lên trong cuộc sống. Chương trình 'Chia sẻ với thầy cô' mong rằng, cộng đồng sẽ có nhiều hành động cụ thể, để tri ân sự cống hiến thầm lặng của giáo viên cắm bản, giúp đỡ học sinh khu vực miền núi có điều kiện học tập tốt hơn", Tiến sĩ Nghĩa nói.
An San