Việc xét nghiệm này được Dự án khảo sát và giải quyết ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng (DDAMP), Quỹ Ford tài trợ, do các thành viên Công ty Tư vấn Hatfield, Văn phòng 33 của Chính phủ và Bộ Y tế thực hiện tại khu dân cư thuộc hai quận Hải Châu và Thanh Khê từ năm 2006 nhưng đến nay mới công bố kết quả.
Số người trên được chọn ngẫu nhiên, không có trong danh sách các nạn nhân chất độc da cam của thành phố, không có biểu hiện bị nhiễm dioxin như nhiều nạn nhân khác, sống lân cận khu vực sân bay Đà Nẵng, điểm nóng về ô nhiễm dioxin tại thành phố này.
Sân bay Đà Nẵng đang được tẩy rửa dioxin để xử lý triệt để chất độc này. Ảnh: Tú Anh |
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, thành phố có trên 5.000 người bị nhiễm dioxin, trong số đó có hơn 1.400 trẻ em, phần lớn bị dị tật nặng, không thể tự chăm sóc được mình.
Tuy nhiên khi kết quả xét nghiệm máu vừa được công bố đã làm cho nhiều người liên tưởng đến một con số người bị nhiễm chất độc này vượt xa con số 5.000 người và ngay chính bản thân bà Hiền cũng phải thốt lên là "quá bất ngờ".
Hướng giải quyết trước mắt, đầu tháng 9 này, 25 người (đợt 1) sẽ được ra Bệnh viện 103 - Học viện Quân y (Hà Nội) điều trị tẩy độc trên cơ thể bằng phương pháp Hubbard... Nhiều người dân muốn được xét nghiệm nhưng lo sợ về kinh phí quá lớn, cũng như không biết phải bắt đầu từ đâu.
Ngày 9/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức khởi công hạng mục đào xúc và vận chuyển của dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng". Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng triển khai dự án với tổng mức đầu tư lên đến 41 triệu USD. Dự án kéo dài đến năm 2016 bằng việc xúc khoảng 73 nghìn mét khối đất và trầm tích đưa vào đun nóng để tẩy rửa chất độc.
Nguyễn Đông