Giữa các khoa của bệnh viện cũng cách ly biệt lập sau lệnh ngày 26/7. Y bác sĩ trao đổi qua nhóm chat, chỉ khi cần thiết lắm mới ra khỏi khoa trong trang phục bảo hộ ở mức cao nhất.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người phải cách ly để phân loại. Đến chiều 31/7, hơn 600 bệnh nhân và 300 người nhà còn ở lại. Ngoài những người dương tính nCoV, các bệnh nhân bệnh lý khác đều trong tình trạng nặng.
Khoảng 4.000 người đã được đưa đi, bao gồm các bệnh nhân nhẹ âm tính nCoV và người nhà, chuyển tuyến dưới để cách ly tập trung. "Tất cả các trường hợp được chuyển ra khỏi bệnh viện phải có mẫu xét nghiệm âm tính, và cách ly tiếp 14 ngày để đề phòng nguy cơ lây lan", lãnh đạo bệnh viện khẳng định. Một số người nhà bệnh nhân thuộc diện phải rời viện nhưng không muốn đi, Bệnh viện sẽ đề nghị Quân khu 5 hỗ trợ di chuyển.
Bệnh viện dừng tiếp nhận bệnh nhân, trừ trường hợp cấp cứu nguy kịch. Đây là cơ sở y tế lớn nhất thành phố, tiếp nhận người từ Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đến chữa trị.
Việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có các êkip riêng, khu vực riêng gắn camera quan sát từ bên ngoài. Các bác sĩ vào thăm khám, điều trị trực tiếp, tương tự như với các ca dương tính hồi tháng 3.
Ngoài khoa Y học Nhiệt đới dành điều trị bệnh nhiễm, hiện nay trong mỗi khoa của Bệnh viện Đà Nẵng cũng lập khu cách ly riêng, dành cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc có biểu hiện bất thường về hô hấp.
Mỗi khoa cũng lập những khu cách ly riêng, đề phòng trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm nhưng bệnh nhân có các biểu hiện ho, sốt hay nghi ngờ thì chuyển lên cách ly như một ca nghi nhiễm. Các bác sĩ phân công nhau điều trị bệnh nhân để giữ sức trước dự lượng thời gian cách ly sẽ kéo dài hơn 14 ngày.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, dù bệnh viện đang tập trung cao độ cho những người mắc Covid-19, hoạt động điều trị cho các bệnh nhân ở lại vẫn tiếp tục. "Các bác sĩ vẫn phẫu thuật, hội chẩn và cấp cứu những ca bệnh nặng. Bệnh viện đã xây dựng khu mổ riêng để đảm bảo hoạt động", ông nói. Y bác sĩ phân ca để giữ sức, chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu dài.
Do phải chờ kết quả xét nghiệm phân loại, tốc độ chuyển bệnh nhân và người nhà đi không nhanh, khiến áp lực trong bệnh viện cao. Nhiều nhân viên y tế được cho đi cách ly vòng ngoài, nhưng thấy anh em vất vả nên tình nguyện ở lại viện, chia sẻ công việc.
"Chúng tôi có kế hoạch chuyển thêm 250 nhân viên đi cách ly, nhưng tất cả anh em đều ở lại", lãnh đạo bệnh viện cho biết.
Sau khi chuyển hết người nhà ra bên ngoài, các nhân viên y tế sẽ chăm sóc, phục vụ ăn uống, vệ sinh cho các bệnh nhân, thay cho người nhà. Để tăng cường sức khoẻ và tinh thần làm việc trong khu cách ly, các nhân viên y tế kêu gọi nhau tập yoga, thể hình, hát cho nhau nghe...
"Tinh thần thoải mái, lạc quan là điều quan trọng nhất trong lúc này. Chúng tôi rất mong người dân ở bên ngoài thực hiện khai báo y tế, cách ly xã hội, đeo khẩu trang, xịt khuẩn tay và báo ngay cho các cơ sở y tế khi có các biểu hiện của bệnh", một bác sĩ chia sẻ.
Bộ Y tế ngày 31/7 ghi nhận 82 ca nhiễm nCoV, trong đó 56 ca là bệnh nhân, người nhà chăm sóc, người đến thăm bệnh nhân tại các bệnh viện Đà Nẵng. Phần lớn bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.