Khảo sát của VnExpress, đất nền, nhà phố tại Long An, có vị trí giáp với TP HCM về phía Tây và Tây Nam đang được nhiều nhà đầu tư Sài Gòn quan tâm và giao dịch thành công nhiều nhất. Khoảng 60% nhà đầu tư từ TP HCM mua bất động sản tại Bến Lức, Cần Giuộc, Long Hậu. 20% giao dịch là của nhà đầu tư Hà Nội và còn lại là do người địa phương mua.
Trong khi đó, các dự án căn hộ tại địa phận tỉnh Bình Dương, giáp ranh TP HCM qua Quốc lộ 13, đại lộ Phạm Văn Đồng ghi nhận 60-75% là khách hàng Sài Gòn mua. Những người Sài Gòn mua căn hộ vị trí này chấp nhận hộ khẩu tỉnh, không ngại di chuyển quãng đường xa với điều kiện giao thông thuận tiện và giá vừa túi tiền.
Nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Đồng Nai gồm các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom cũng ghi nhận tỷ lệ các nhà đầu tư Sài Gòn mua bán khá cao, đạt 50-60%.
Điều đáng chú ý là giao dịch của nhà đầu tư Sài Gòn tại các tỉnh giáp ranh thậm chí đã tăng vọt lên gấp 2-2,5 lần so với làn sóng thu gom bất động sản các tỉnh phía Nam của nhà đầu tư Hà Nội (tỷ trọng trung bình chiếm 20-25%).
Chuyên gia bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, Phan Công Chánh cho biết có ít nhất 3 lý do khiến làn sóng đầu tư nhà đất ra tỉnh giáp ranh hoặc lân cận TP HCM leo thang.
Thứ nhất, quỹ đất sạch tại Sài Gòn không còn nhiều và đang trở nên cực kỳ đắt đỏ khiến người Sài Gòn mở rộng địa bàn đầu tư ra vùng ven. Theo ông Chánh, sở dĩ tỷ trọng nhà đầu tư Sài Gòn mua bất động sản tỉnh giáp ranh TP HCM cao hơn các địa phương khác vì lực lượng nhà đầu tư này cảm nhận rõ nhất tác động của những cơn sốt đất tại TP HCM đã đẩy giá địa ốc lên ngất ngưỡng. Với giá nhà đất vượt quá khả năng đầu tư hoặc chi trả của nhiều người, việc họ tìm kiếm kênh đầu tư thay thế là phản ứng bình thường.
Thứ hai, nhà đầu tư TP HCM chấp nhận đi xa hơn vì cơ hội mua bất động sản tại TP HCM đang hẹp dần với dòng vốn nhỏ. Phần lớn các nhà đầu tư tìm đến những vị trí này đều có dòng vốn tích lũy từ và họ mua nhà, đất với 2 mục tiêu chính: để ở hoặc đầu tư.
Thứ ba, hạ tầng phát triển thúc đẩy các đô thị vệ tinh đang hình thành, tạo động lực thu hút những khu dân cư giãn ra vùng giáp ranh.
Ngoài ra, theo ông Chánh, việc người TP HCM đổ xô mua bất động sản giáp ranh đô thị này cũng cho thấy nhu cầu đầu tư của dân Sài Gòn vẫn liên tục gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh rổ hàng tại đô thị này đột ngột hạn chế lại trong giai đoạn 2018-2020.
Vũ Lê