Chiều 16/9, Hội thảo quốc tế với chủ đề "Cơ hội và thách thức với đại học trong việc xây dựng chương trình học online thời Covid" do FUNiX tổ chức đã diễn ra với hình thức trực tuyến. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đại diện 25 trường thuộc 8 quốc gia trên thế giới từ Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Philippines và Việt Nam.
Là một trong hai diễn giả chính của Hội thảo, Giáo sư Bas Baskaran - Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học của Đại học Deakin (Australia) chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo từ xa của đơn vị. Ông cho biết, Đại học Deakin xếp top 10 thế giới trong việc cung cấp các khóa học online trên nền tảng MOOC, đồng thời nhấn mạnh giáo dục trực tuyến sẽ là tương lai của đào tạo đại học và đồng hành song song cùng giáo dục truyền thống.
Chia sẻ về việc sử dụng các nền tảng online để duy trì tương tác cho sinh viên, Giáo sư Takako Ochi, Đại học Gunma (Nhật) cho biết, đơn vị sẽ hợp tác với FUNiX để triển khai Smart campus to campus (SCC), đưa tất cả mọi hoạt động giao lưu, trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo lên nền tảng trực tuyến thông qua đối tác đến từ Việt Nam này.
Ba mối quan tâm lớn nhất của đào tạo trực tuyến cũng được các đại biểu tham gia hội nghị cùng thảo luận sôi nổi. Trong đó, việc đưa được các hoạt động mang nặng tính thực hành lên nền tảng online là yếu tố chú trọng hàng đầu khi học tập trực tuyến. Giáo sư Bas Baskaran khẳng định điều quan trọng nhất không phải là cố sao chép các trải nghiệm học tập offline để chuyển qua online. Quan trọng hơn, đơn vị đào tạo phải xác định rõ mục tiêu (learning outcome) của hoạt động đó là gì và tìm hiểu những cách mà có thể đạt điều1` đó.
"Công nghệ có thể hỗ trợ rất đắc lực, miễn là mình tư duy đúng cách" - ông khẳng định.
Duy trì động lực của người học online cũng là một nội dung quan trọng trong giáo dục trực tuyến. Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đưa ra nhiều kiến giải như: duy trì kết nối liên tục, trên nhiều nền tảng giữa giáo viên với sinh viên; tạo ra một môi trường học tập chủ động; giảm thời lượng của tiết học xuống dưới một tiếng vì rất khó để duy trì tương tác trong nhiều giờ liên tục.
Với vấn đề đảm bảo tương tác và kết nối giữa thầy và trò, Giáo sư Jeroen Schedler, đại diện đến từ Đại học Rangsit (Thái Lan) đồng tình với quan điểm giáo dục online không đơn thuần là việc sao chép, đưa lớp học truyền thống lên Internet, cần có sự phân biệt giữa khái niệm "tương tác" trong đào tạo online và offline. "Các trường đại học phải linh hoạt, sáng tạo hơn, làm khác đi thì sẽ không ai còn so sánh online với offline nữa. Vì đơn giản đây là hai hình thức học tập không cùng hệ quy chiếu, không thể so sánh được", ông nhận định.
Đại diện FUNiX - Giám đốc FUNiX Japan Hoàng Văn Cương chia sẻ câu chuyện thực tế đào tạo lập trình trực tuyến tại FUNiX và khẳng định: "Đào tạo online không phải chỉ là bắt sinh viên ngồi trước laptop xem học liệu và làm bài tập. Đó phải là cả một cộng đồng sinh viên năng động, tương tác với nhau thường xuyên trên nền tảng online".
Ông cũng cho biết, ở FUNiX ngoài học tập, sinh viên còn được cùng tham gia các gameshow, tranh biện, thực hiện dự án cùng nhau... Điều đó mang đến cơ hội tương tác và kết nối sâu sắc hơn giữa các sinh viên và giữa sinh viên với mentor.
Hội thảo "Cơ hội và thách thức với đại học trong việc xây dựng chương trình học online thời Covid" không chỉ thu hút những ý kiến, đóng góp giá trị trong đào tạo trực tuyến, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối tiềm năng đa quốc gia. Theo ông Hoàng Văn Cương, mạng lưới học thuật mang tên Global Online Educators Community với 21 đại biểu tham gia đã được hình thành ngay sau Hội thảo. Mục tiêu mạng lưới là cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về cách xây dựng các chương trình online có độ tương tác cao.
"Điều này cho thấy sự quan tâm lớn giữa các đơn vị đào tạo quốc tế về các cơ hội hợp tác, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển đào tạo trực tuyến trong kỷ nguyên số nhiều thách thức lẫn cơ hội", ông nói thêm.
Quỳnh Anh