Karla Quintana, người đứng đầu Ủy ban Tìm kiếm Quốc gia Mexico, cho biết ít nhất 61.637 người đã mất tích và Mexico đang đối mặt với cuộc khủng hoảng "người mất tích" lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latin. "Những số liệu này thật đáng sợ, và đằng sau chúng là những câu chuyện về nỗi đau của các gia đình", bà nói trong cuộc họp báo hôm 6/1.
Số người mất tích trong hơn 10 năm qua tăng do bạo lực leo thang ở Mexico. Ở một số vùng, các nhóm tội phạm có tổ chức ngang nhiên tấn công cảnh sát và quân đội. Chỉ trong năm 2019, hơn 5.000 người mất tích.
Tổng thống Obrador đang bị chỉ trích vì thiếu các chiến lược hiệu quả nhằm đối phó với bạo lực gia tăng. Sự yếu kém của chính quyền đã lộ rõ hồi tháng 10 khi các tay súng băng đảng Sinaloa tràn vào thành phố Culiacan, ép chính quyền thả con trai của trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman.
Vài tuần sau đó, một vụ thảm sát khiến ba người phụ nữ và 6 trẻ em thiệt mạng ở cộng đồng Mormon, bang Sonora, phía bắc Mexico.
Tổng thống Trump đã thúc ép Obrador đối đầu quyết liệt hơn với các nhóm buôn ma túy, tình nguyện đưa lính Mỹ sang Mexico và cảnh báo có thể tuyên bố các băng đảng ở Mexico là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Mexico từ chối mọi kế hoạch triển khai quân của Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các vụ mất tích xảy ra. Trong một số trường hợp, tội phạm muốn "giết người diệt khẩu" để tránh bị truy tố. Bên cạnh đó, một số kẻ lại muốn gieo rắc nỗi kinh hoàng.
Tuy nhiên, các nhóm tội phạm có tổ chức không phải là thủ phạm duy nhất. Nhiều người mất tích được cho là đã bị quân đội và cảnh sát bắt. Hồi năm 2014, 43 sinh viên sư phạm bị bắt giam ở thành phố Iguala, miền nam Mexico. Những người này vẫn chưa được tìm thấy. Lần cuối cùng các nhân chứng thấy họ là khi họ bị áp giải lên xe cảnh sát.
Alejandro Encinas, người phụ trách về nhân quyền của Mexico, cho rằng giới chức đã ghi nhận số vụ mất tích kỷ lục hồi năm 2017, với hơn 7.000 vụ, và con số này giảm dần trong năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, giới chức liên tục tìm thấy những túi nilon chứa các phần thi thể nạn nhân bị sát hại ở dưới giếng và các tòa nhà bỏ hoang.
Quốc Hưng (Theo WashingtonPost)