Trước danh hiệu mới nhất, Hà Nội FC đã vô địch V-League vào năm 2010, 2013, 2016, 2018 và 2019. Họ qua đó trở thành CLB giàu thành tích nhất ở giải vô địch quốc gia Việt Nam. "Chúng tôi làm được điều mà khó có đội bóng nào có thể làm được", Nguyễn Văn Quyết chia sẻ sau khi cùng đồng đội hạ Hà Tĩnh 2-0 tối 13/11 để vô địch sớm một vòng đấu trên sân Hàng Đẫy.
Đội trưởng Hà Nội khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng nhất của CLB là tính kế thừa giữa lứa cũ và mới, kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm và sức trẻ, để từ đó duy trì vị thế hàng đầu hơn một thập kỷ.
Văn Quyết và Phạm Thành Lương đi vào lịch sử V-League với tư cách vô địch nhiều nhất - năm lần. Và ngay sau họ là các đàn em, như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Thành Chung, Phạm Đức Huy, Đỗ Duy Mạnh, Trần Văn Kiên, đều bốn lần đăng quang. Đoàn Văn Hậu, mới 23 tuổi, cũng giành ba danh hiệu. Một vòng tuần hoàn mới có thể hình thành để duy trì sự ổn định hiện tại, giúp tất cả có cơ hội vươn lên, xô đổ kỷ lục của Thành Lương và Văn Quyết.
Việc Hà Nội thống trị V-League từng có thời điểm được xem là sự dị thường ở bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế, châu Á có nhiều ví dụ tương tự, như Buriram United ở Thai League - vô địch bảy trong 11 mùa gần nhất, Jeonbuk Hyundai Motors ở K-League 1 - vô địch bảy trong chín mùa gần nhất, hay Johor Darul Ta’zim thống trị giải vô địch Malayia chín mùa liên tiếp. V-League vẫn còn tính cạnh tranh cao, khi có năm đội bóng khác lên ngôi bên cạnh Hà Nội trong 11 năm qua.
Thực tế, năm nay Hà Nội FC không đơn thương độc mã trong cuộc chiến đến ngôi vương. Cũng có lúc họ hơn nhóm bám đuổi chín điểm, nhưng sự bám đuổi từ Hải Phòng, Bình Định hay Viettel giúp cuộc đua gay cấn tới tận vòng áp chót. Theo Văn Quyết, lý do giúp Hà Nội chiến thắng ở giai đoạn quyết định mùa này là "DNA vô địch" không bao giờ biến mất trong huyết quản của họ.
Hà Nội cũng rất biết cách vượt qua áp lực trong quá trình chuyển giao. Khi kỷ nguyên thành công với HLV Phan Thanh Hùng khép lại đầu mùa 2016, Hà Nội tưởng chừng gặp khó với HLV Phạm Minh Đức. Nhưng sự thay đổi quyết liệt sau bốn vòng đầu, với việc HLV Chu Đình Nghiêm - trợ lý thời ông Hùng - được bổ nhiệm thay thế, mở ra thời kỳ thành công nhất lịch sử đội bóng.
Sau khi ông Nghiêm rời đi, Hà Nội mất nửa năm trầy trật. Đến đầu mùa này, họ còn chia tay hàng loạt trụ cột, gồm Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng hay ngoại binh Moses Oloya. Nhiều người đã nghĩ về một cuộc khủng hoảng mới ở sân Hàng Đẫy. Nhưng sự ổn định nhanh chóng được thiết lập, khi Hà Nội một lần nữa khẳng định triết lý "không cá nhân nào lớn hơn CLB".
Sự ổn định tài chính là yếu tố quan trọng khác, khi giúp đội bóng thủ đô duy trì chất lượng cầu thủ cũng như nội bộ phòng thay đồ. Từ lần đầu xuất hiện ở V-League 2009, Hà Nội trải qua 12 mùa giải (2020 bị huỷ vì Covid-19), mà chưa mùa nào đứng ngoài top 4. Đây là điểm khác biệt so với sự trồi sụt của những nhà vô địch V-League khác, mà phần lớn nguyên nhân là nền tảng tài chính không vững bền, biến tướng đầu tư trong bóng đá thực chất là đầu cơ vì thành tích.
Bên cạnh nỗ lực của các cầu thủ và ban lãnh đạo, hành trình vô địch của Hà Nội mùa này còn có đóng góp lớn từ HLV Chun Jae-ho. Là HLV trưởng người Hàn Quốc thứ tám làm việc tại V-League, nhưng đây là người đầu tiên vô địch. Trước ông Chun, HLV Chung Hae-seong tiến gần tới danh hiệu nhất khi cùng TP HCM về nhì mùa 2019. HLV Choi Yun-kyum cùng HAGL giành HC đồng năm 2013. Ông Chun còn là HLV nước ngoài thứ ba vô địch V-League sau HLV Thái Lan Arjhan Srong-ngamsub cùng HAGL các năm 2003, 2004, và HLV Bồ Đào Nha Henrique Calisto cùng Đồng Tâm Long An 2005, 2006.
Từ vị trí trợ lý cho HLV Lee Heung-sil tại Viettel năm 2019 rồi đến HLV Park Choong-kyun tại Hà Nội FC năm 2021, Chun trở thành người đóng thế khi được đôn lên thay vị tiền nhiệm hai tuần trước khi V-League 2022 khởi tranh. Ông cho biết một trong những lý do giúp thành công là không mắc lại sai lầm như HLV Lee và Park.
"Họ áp dụng văn hoá Hàn Quốc vào bóng đá Việt Nam", HLV Chun nói. "Các cầu thủ chưa quen và bị tâm lý rất nhiều. Tôi có thể khẳng định hai đồng nghiệp đồng hương chưa hiểu hết văn hoá Việt Nam. Tôi đã rút kinh nghiệm chuyện này, đồng thời áp dụng kinh nghiệm sau hai năm làm trợ lý cho HLV Trương Việt Hoàng tại Viettel để có được thành công".
HLV sinh năm 1979 nhận sự trợ giúp đắc lực từ ê-kíp trợ lý người Việt Nam, nhưng cũng có một số dấu ấn riêng. Ông xoay tua hiệu quả lực lượng dày của Hà Nội và sẵn sàng trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Lê Xuân Tú, Đậu Văn Toàn, Trương Văn Thái Quý cho thấy khao khát và liên tục được đá chính. Họ tận dụng tốt thời điểm các đàn anh từng lên tuyển quốc gia như Vũ Minh Tuấn, Phạm Đức Huy xuống phong độ.
Hà Nội nổi tiếng với lối chơi áp đặt, kiểm soát bóng. Nhưng dưới thời ông Chun, họ dần linh hoạt hơn, sẵn sàng đá phòng ngự chủ động. Suốt lượt đi, Hà Nội chơi theo kịch bản ghi bàn dẫn trước, rồi tung thêm hậu vệ vào sân để bảo toàn tỷ số. Họ khép lại giai đoạn này trên đỉnh bảng, thắng chín trận, trong đó có đến bảy trận thắng cách biệt một bàn.
Cả lượt đi Hà Nội FC ghi 19 bàn, con số này ở lượt về là 27. Và họ vẫn còn một trận chưa đấu - gặp HAGL ở vòng hạ màn, để trở thành hàng công mạnh nhất. Trong khi đó, hàng thủ mới thủng lưới 20 bàn, thấp nhất trong số những mùa vô địch và thấp thứ hai trong lịch sử thi đấu tại V-League.
Hiếu Lương