Sáng 26/4, lần thứ ba, TAND Bắc Giang hoãn phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử Vi Văn Phượng (còn gọi là Phùng, 51 tuổi, ở huyện Lục Nam) với cáo buộc giết mẹ.
Tại phần thủ tục, bị cáo cùng các luật sư bào chữa đề nghị hoãn phiên tòa bởi 18 trong 20 nhân chứng vắng mặt. Phía bị cáo cũng đề nghị tòa triệu tập điều tra viên, giám định viên tới phiên xét xử.
Trong khi đại diện VKS cho rằng việc vắng mặt của những người trên không làm ảnh hưởng tới việc xét xử, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo khách quan khi bị cáo một mực kêu oan.
Theo bản án phúc thẩm tuyên tháng 8/2013, bà Nguyễn Thị Vui, sinh năm 1926, sống cùng vợ chồng ông Phượng (con trai). Gia cảnh khó khăn, cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng vay 50 triệu đồng để lo cho con lớn đi xuất khẩu lao động. Trong số này có đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng của bà Vui. Năm 2011, con trai về nước, vợ Phượng tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
Trong lúc kinh tế túng bấn, mẹ lại hai lần đòi nợ nên Phượng bực tức. Đầu tháng 10/2012, ông ta mua vàng, đưa cho con trai trả mẹ. Tối 4/10/2012, khi bà Vui nghi đây là vàng giả, Phượng đã to tiếng.
Cơ quan điều tra cho biết Phượng khai, trưa hôm sau, khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, ông ta đã cầm con dao quắm gây trọng tội với mẹ già mù lòa. Phượng sau đó gọi điện thoại báo công an, tạo dựng việc mẹ bị kẻ lạ mặt sát hại.
Từ kết quả giám định vết máu trên chiếc áo phông và con dao quắm thu tại hiện trường và nhiều chứng cứ khác, ngày 18/10/2012, Công an Bắc Giang đã bắt Phượng.
Hai lần xét xử sơ và phúc thẩm, bị kết án tử hình về tội Giết người, Phượng đều kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Ba năm sau, ngày 30/8/2016 Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Phiên giám đốc thẩm mở cuối năm 2016 đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong vụ án. Thứ nhất, Phượng khai giết bà Vui lúc 10h nhưng nhân chứng lại khai bị cáo đi làm với mình từ sáng đến trưa và cùng đến một nhà người quen ăn cơm.
Thứ hai, cơ quan giám định cũng chưa xác định được bà Vui chết lúc mấy giờ, còn việc kết luận bà Vui chết sau bữa sáng 3-4 tiếng là căn cứ lời khai của người cháu và quan sát qua bản ảnh. Cấp giám đốc thẩm cho rằng kết luận trên "chưa có căn cứ khoa học" vì khi khai quật tử thi, nhà chức trách đã không lấy mẫu thức ăn để giám định,'
Thứ ba, ngoài lời khai của bị cáo vào ngày 5/10/2012 mặc hai chiếc áo đi làm, trong đó có áo phông cộc tay màu trắng thì không có lời khai của người nhìn thấy. Cơ quan điều tra khi thực nghiệm chỉ cho bị cáo mặc hai áo ở tư thế đứng im mà chưa xác minh khi làm việc thì có lộ ra áo thứ hai khiến người khác có thể trông thấy hay không.
Thứ tư, các vết máu trên áo phông cộc tay màu trắng được giám định bắn ra trong khi bà Vui bị sát hai. Nhưng vết ở phía sau cổ áo thì chưa chắc chắn do "bắn" vì có dạng nhỏ giọt, cần làm rõ tình tiết này. Vết máu dạng nhỏ giọt trên đế quạt ở phía đầu giường do đâu mà có cũng chưa được mô tả, lý giải. Cơ quan điều tra còn thiếu sót khi không thu chiếc quần bị cáo mặc vào hôm xảy ra sự việc.
Thứ năm, cơ quan điều tra chưa cho thực nghiệm việc bị cáo dùng dao để đối chiếu với các vết chém ghi nhận trên giường, chiếu.
Thứ sáu, bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là người sống tình cảm, có hiếu. Việc vay vàng đã trả từ mấy hôm trước nên động cơ phạm tội chưa rõ.
Quyết định Giám đốc thẩm kết luận: Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt Phượng án tử hình với các căn cứ nêu trên là chưa vững chắc. Để giải quyết vụ án chính xác, khắc phục những thiếu sót, các cơ quan tố tụng Bắc Giang cần làm rõ sáu vấn đề nêu trên; xác minh ai là người đến hiện trường đầu tiên; Phượng có mâu thuẫn thù hằn gì với ai không, bởi không có dấu hiệu của việc giết người cướp tài sản...
Sau ba năm điều tra, tại bản cáo trạng lần hai truy tố bị cáo trong phiên tòa ngày hôm nay, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên các cáo buộc như bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần một.
TAND tỉnh Bắc Giang cho biết, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 23/5.
Bảo Hà