Thị trấn miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những địa bàn ngập nặng nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc dịp mưa lũ hai ngày nay. Nước đến và đi cũng rất nhanh, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay. Phần lớn thị trấn chìm trong nước. Gia đình chị Hoài cũng không ngoại lệ. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Mưa bắt đầu từ 9h tối thứ sáu, và như trút xuống từ 10h trở đi. Tầm 3h sáng thứ bảy, cô em chồng ở gần đó gọi báo nhà bị ngập, nhờ xuống giúp. Mở cửa ra, nước đã phủ kín đường.
Chạy xuống giúp nhà em về, tầm 3h30, nước đã tràn vào các hộ ở đối diện bên đường vốn nằm thấp hơn. Chúng tôi cùng hàng xóm đi gõ cửa đánh thức một số nhà bị ngâp. Có người tỉnh dậy mới biết nước đã làm ướt lưng giường. Xong việc, chúng tôi vẫn chủ quan về ngủ ngon, nghĩ chắc nhà mình không sao, bởi không nằm ở khu quá thấp của thị trấn, và khi xây nhà hồi năm ngoái, chúng tôi đã nâng nền cao hơn 75 cm so với mặt đường, cao nhất so với các hộ chung quanh.
6h30 sáng, nước mấp mé bậc cửa. Tôi định bắt xe buýt đi làm như mọi khi thì được tin báo xe buýt ngập không thể đi được, đành ở nhà. Từ lúc này, nước đổ về rất nhanh. Chúng tôi khẩn trương thu dọn nhưng không kịp nữa.
Nước đã tràn vào hầu hết các nhà xung quanh. Cảnh tượng khắp nơi khá hoảng loạn, bởi không ai nghĩ nước lên cao đến vậy, và khu vực này chưa bao giờ ngập lớn như vậy từ năm 1971 đến nay. Tiếng nước ào ào, tiếng hàng xóm gọi nhau ý ới. Một nhóm 10 người đàn ông là chủ hộ của các gia đình chạy tới các nhà hàng xóm ngập sâu để giúp chuyển các đồ quý và thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, máy phát điện lên cao. Chồng tôi tham gia nhóm đó. Tuy vậy, nước lên quá nhanh nên có khi chuyển được đồ vào nhà này thì nước tràn tới, lại phải khẩn cấp chuyển sang nhà khác.
Hơn 7h, nước bắt đầu tràn vào nhà tôi, muộn nhất khu vực, và dâng lên nhanh chóng, đến 9h cao ngang nửa bắp chân và đến 12h trưa là quá đầu gối, trong khi đó ở ngoài đường nước đã lút cổ người. Cũng vì không lường trước nước sẽ vào nhà mình, nên chúng tôi trở tay không kịp. 4 chiếc tủ lạnh phục vụ cho quán trà sữa tôi mới khai trương ở tầng 1 thì chỉ có 2 cái kịp kê cao lên ghế, 2 cái đành chịu dìm chân trong nước, cũng không còn chỗ để mà kê nữa.
Cánh phụ nữ chạy các đồ nhẹ, các ổ điện lên cao, chồng tôi và nhóm các anh em hỗ trợ chuyển các đồ nặng. Tuy vậy, trong quán có rất nhiều đồ như quạt, bàn ghế không chuyển kịp, cái nào khuân được thì quẳng lên cầu thang. Nước dâng đến đâu lại cố kê thêm đến đấy. Chốc chốc có tiếng hàng xóm hò hét gọi vớt hộ cái chảo, hoặc cái ghế trôi nổi.
Sợ nhất là những lúc những ôtô lớn cố đi qua, sóng đánh vào nhà khiến nước dềnh cao như sóng biển, đồ đạc và người đổ nghiêng ngả. Có nhà còn vỡ cả cửa kính, và móp cửa cuốn. Tuy vậy, khổ sở nhất khi đó không phải là nước, mà là dầu tràn từ một cửa hàng xe máy ở đối diện, loang ra khắp mọi nơi. Dòng nước nổi dầu đen sì, mang theo hơi xăng nồng nặc, hơi rác hôi thối kinh khủng đến khó thở. Chúng tôi vừa chuyển đồ vừa lo sợ nếu xăng cháy thì nguy to.
12 giờ trưa nước vẫn còn lên. Quanh nhà tôi lúc đó chỉ còn vài nơi là cao, đa số đã ngập qua bàn thờ, hầu hết là ngập gần đến nóc. Nhà tôi 2 tầng và cao nhất khu nên ngập ít nhất. Các gia đình đã sơ tán người lên cao hoặc đi ra khu khác, chỉ còn nhà tôi và một vài người ở lại. Chúng tôi xin tạm ít bún nguội của người hàng xóm không bán được để ăn lót dạ.
1h chiều nước bắt đầu rút dần, đến 3h chiều, mất hơn một tiếng chúng tôi hợp lực mới dồn được nước ra khỏi nhà, trong khi các nhà khác đến chiều tối mới rút. Nước đi, để lộ trong nhà là vài chú ốc, lươn, nhái và cả bèo. Bùn, đất đá khắp nơi, ngập mùi xăng, rác thải. Mọi thứ trong nhà đều ướt sũng. Có gia đình gần đó hôm trước dựng rạp đám cưới, giờ đồ đạc, bàn ghế phông màn bung bét, cuốn trôi tan tác.
10 tối, điện vẫn đang mất, chúng tôi chưa dám mong có điện ngay, vì sợ xăng dầu trong nhà còn nhiều, dễ cháy. Hàng xóm đang thông báo nước ngoài đường không rút, mà có nguy cơ dâng lên vì các cống đang bị tắc hầu hết. Nếu có mưa to nguy cơ vẫn còn ngập tiếp. Đêm nay chắc nhà tôi khỏi ngủ, thức trông đồ kẻo trôi hết. Mong ngày mai nước rút, công cuộc dọn dẹp “đại công trường” sẽ bắt đầu.
Thu Hoài