Shipper hoạt động liên quận, huyện từ 6h đến 21h
Lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động liên quận với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày một lần. Thành phố chi trả xét nghiệm đến hết ngày 30/9.
Một điểm mới ở lần này là nhân viên doanh nghiệp cũng được thực hiện giao nhận hàng, song chỉ đi trong một quận huyện, phải xét nghiệm mẫu gộp 3, tần suất 2 ngày một lần, kinh phí do doanh nghiệp trả.
Trước đó, từ ngày 26/7, TP HCM yêu cầu shipper chỉ hoạt động một quận huyện để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngừa nguy cơ lây lan dịch. Các shipper khi giao hàng phải có bảng tên bằng thẻ cứng kèm hình, nhận diện bằng QR code, đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng, kích thước ống đeo cao 20 cm; xét nghiệm âm tính nCoV.
Người dân "vùng xanh" được tập thể dục ở công viên nội khu
Chính quyền địa phương xem xét cho phép hoạt động trở lại với các sinh hoạt thể dục, thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các "vùng xanh" nếu đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch và phải tuân thủ 5K.
Trước đó, từ ngày 9/7 khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, việc tập thể dục, thể thao ở các công viên lớn và các công viên ở nội khu ở thành phố đều bị cấm.
Nhiều loại hình kinh doanh được hoạt động đến 21h
Thành phố cho nhiều loại hình kinh doanh được hoạt động từ 6h đến 21h như: dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ bán hàng thông qua đặt trực tuyến.
Ngoài ra, các ngành nghề được mở cửa như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Trước đó, từ ngày 9/7 chính quyền TP HCM yêu cầu nhiều dịch vụ kinh doanh phải dừng hoạt động, kể cả các dịch vụ ăn uống bán mang đi để bảo đảm phòng dịch. Đến ngày 7/9, thành phố cho hoạt động dịch vụ kinh doanh ăn uống nhưng chỉ bán hàng trực tuyến thông qua shipper; các cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập. Tất cả dịch vụ trên mở cửa thời gian ít hơn so với lúc này, từ 6h đến18h.
Thí điểm thẻ xanh Covid ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ
Thành phố cũng thí điểm trong thời gian 2 tuần đối với thẻ xanh Covid gắn với mã QR cá nhân, cùng với thực hiện 5K và xét nghiệm kháng nguyên cho người dân ở 3 quận huyện: 7, Củ Chi, Cần Giờ. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ làm phần app dữ liệu để tích hợp công nghệ thực hiện việc này, để tránh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, thẻ xanh Covid chỉ thực hiện cho một số đơn vị được thí điểm chứ không phải toàn bộ 3 quận, huyện. Ví dụ quận 7 chỉ thực hiện cho 150 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... Còn Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm cho các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm... Các đơn vị còn lại vẫn áp dụng cách di chuyển như hiện nay.
Công trình xây dựng, giao thông được thi công
Các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công trên cơ sở tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn được UBND thành phố ban hành. Trước đó từ hôm 22/7 khi siết chặt Chỉ thị 16, TP HCM đã dừng toàn bộ công trường xây dựng, giao thông chưa thực sự cấp bách.
Thời gian qua, các dự án được duy trì thi công gồm: Metro Số 1, cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 9 lô đất Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10).
Dân quận 7, Củ Chi và Cần Giờ đi chợ mỗi tuần một lần
Người dân quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ được đi chợ mỗi tuần một lần. Trước đó, từ ngày 23/8 TP HCM thực hiện siết chặt giãn cách, người dân được yêu cầu "ai ở đâu yên đó", thành phố triển khai "đi chợ hộ" cho tất cả người dân.
Hữu Công