![]() |
Em bé có khối u gan chiếm gần trọn ổ bụng. Ảnh: Người Lao Động. |
Khi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai, các bác sĩ đã phát hiện có khối u gan to. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM. Tại đây, kết quả siêu âm bụng và chụp cắt lớp cho thấy một khối u gan nguyên bào rất to chiếm gần trọn vùng bụng. Do không thể can thiệp mổ cắt u được, các bác sĩ lại chuyển bé sang Bệnh viện Ung bướu.
Ung thư gan nguyên phát thường gặp ở nam giới, chiếm 11% và đứng thứ 3 trong số 10 loại ung thư hàng đầu ở Việt Nam. Phần lớn trường hợp được phát hiện ở giai đoạn muộn (khối u trên 5cm, trên nền xơ gan lách to...), không thể mổ cắt bỏ u được và tỉ lệ tử vong cao.
Ở trẻ em, ung thư gan rất hiếm gặp, tỉ lệ mắc là khoảng 1% tổng số các ca ung thư trẻ em. Ở trẻ dưới 3 tuổi, thường gặp nhất là u nguyên bào gan, có dạng một khối u đơn độc, khoảng 70% có khả năng mổ được. Bệnh nhạy với thuốc hóa trị nên, việc kết hợp mổ cắt u và hóa trị thường cho kết quả tốt, khoảng 80% trường hợp sống thêm 5 năm sau điều trị.
Ở trẻ lớn hơn 11 tuổi, thường gặp nhất là dạng carcinôm tế bào gan. Khối u thường phát triển đa ổ, xâm lấn rất mạnh và không nhạy thuốc. Bệnh có diễn tiến xấu tương tự ung thư gan nguyên phát ở người lớn; chỉ có khoảng 20% sống được 5 năm sau điều trị.
Đa số trẻ ung thư gan vào viện với tình trạng bụng to bất thường và có u sờ được trong bụng, chắc, không gây đau.
(Theo Người Lao Động)