Về cơ bản, trẻ nên hiểu rằng tình yêu không phải lúc nào cũng gắn liền với những hoàng tử, công chúa và sự hạnh phúc mãi mãi.
Trêu chọc, bắt nạt bạn khác giới không phải là cách thể hiện tình yêu
"Bạn quý con mới trêu con" không phải là cách hay để cha mẹ giải thích cho con, khi con bị trẻ khác trêu ghẹo. Ngay từ khi con còn nhỏ, đừng để trẻ nghĩ rằng trêu chọc là một dấu hiệu của sự quan tâm, của tình yêu, điều đó hoàn toàn không đúng đắn và lành mạnh.
Tình yêu là cho và nhận
Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn dồn tất cả tình cảm, tâm huyết của mình cho con. Nhưng đừng quên dạy cho con thấy rằng tình yêu là một con đường hai chiều cho và nhận: khi con đón nhận tình cảm của cha mẹ, con cũng cần phải đền đáp lại bằng những điều tương xứng.
Khi trẻ trưởng thành, chúng sẽ học cách yêu và xứng đáng với tình yêu của người khác thông qua sự thỏa hiệp và cho đi, chứ không phải chỉ là sự ích kỷ đòi nhận lấy.
Yêu người khác không có nghĩa là ngừng yêu bản thân
Con của bạn cần phải được dạy dỗ để hiểu rằng, khi yêu một người, không có nghĩa là chúng phải hy sinh bản thân, cúi mình chịu thiệt thòi vì nửa kia. Chắc chắn, sự thỏa hiệp là một điều vô cùng quan trọng trong bất cứ mối quan hệ nào, nhưng một điều quan trọng mà trẻ cần được dạy chính là: đừng nên yêu bản thân ít hơn yêu người khác.
Trên thực tế, trẻ em học được điều này từ chính việc nhìn vào mối quan hệ của cha mẹ chúng. Nếu muốn trẻ biết yêu bản thân, không hạ thấp mình trong mối quan hệ, chính bạn cần là một tấm gương về điều đó, ngay trong chính mối quan hệ của vợ chồng.
Cũng cần cho trẻ biết sự khác biệt giữa sự ích kỷ và yêu thương bản thân. Song song với việc dạy trẻ không làm tổn thương người khác vì lợi ích của chính mình, bạn cũng nên dạy trẻ chấp nhận con người của chính mình, thay vì cố gắng thay đổi bản thân để phù hợp với một khuôn mẫu nhất định nào đó, để được ai đó yêu thương.
Tôn trọng là chìa khóa của tình yêu
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được dạy rằng tôn trọng và yêu thương luôn đi đôi với nhau. Trẻ cần có được sự tôn trọng của người khác, và ngược lại, học cách tôn trọng người khác. Một mối quan hệ không có sự tôn trọng chính là một mối quan hệ độc hại.
Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có tình yêu lâu dài nhờ nỗ lực
Những bộ phim lãng mạn có thể khiến cho đứa trẻ đang lớn tin rằng tình yêu là mãi mãi, kéo dài cả đời của một cặp đôi. Nhưng sự thật không hẳn thế. Đôi khi tình yêu đến và đi, vì thế học cách chấp nhận sự chia tay và tìm hướng đi mới là tốt hơn.
Trẻ cũng cần hiểu rằng những gì chúng đã trải qua trong một mối quan hệ không phải là lãng phí, đó là bài học cho một trải nghiệm tốt hơn trong tương lai. Thông qua đó, trẻ hiểu rằng để gìn giữ được một tình yêu bền lâu, cả hai phía cần có sự vun xới, nỗ lực.
Yêu một người không có nghĩa là người đó sẽ yêu mình
Là cha mẹ, mỗi chúng ta luôn cố gắng hết sức để con cái có được điều chúng cần, chúng muốn. Nhưng đôi khi mọi thứ nằm ngoài kiểm soát của bạn, và con buộc phải học cách chấp nhận việc có những thứ chúng không thể nào có được. Tình yêu cũng vậy.
Tình yêu đơn phương có thể mang lại nhiều nỗi đau, nhưng thông qua đó, chúng có thể học được cách buông tay. Điều tuyệt vời là những trải nghiệm này sẽ được xoa dịu rất nhiều, khi trẻ biết rằng con có cha mẹ ở bên để hỗ trợ.
Tình yêu không chỉ có màu hồng
Trái ngược với những thước phim đẹp đẽ, tình yêu không phải lúc nào cũng trọn vẹn. Những đứa trẻ mới bước vào tình yêu cần phải sẵn sàng cho những phần kém lung linh, tốt đẹp của tình yêu, ví dụ: niềm tin của chúng sẽ bị thử thách, hay mâu thuẫn giữa những cái tôi...
Bên cạnh đó, đừng quên nhấn mạnh cho con thấy giá trị tích cực của tình yêu: nó giúp con người trở nên tốt đẹp hơn, thông qua việc mài giũa chính mình để xây dựng một mối quan hệ tích cực.
Thùy Linh (Theo Brightside)