Không phân chia khu vực
Nhét mọi thứ mua từ siêu thị vào tủ lạnh một cách ngẫu hứng là cách mọi người thường làm, nhưng việc này sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian tìm kiếm về sau. Thay vào đó, hãy chỉ định từng khu vực cụ thể cho các nhóm thực phẩm. Chẳng hạn sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, phomai, sữa chua...) nên được xếp cạnh nhau, hay có một - hai ngăn chỉ dành riêng cho rau củ.
Đặt thực phẩm mới nhất ở ngoài cùng
Khi vừa mua thực phẩm về, đừng vội nhét đồ mới vào tủ và đẩy đồ cũ vào sâu hơn. Hãy nghĩ như tủ lạnh của mình là một quầy tạp hóa và đặt thực phẩm có ngày hết hạn sớm nhất lên phía trước. Điều này sẽ giúp giảm lãng phí đáng kể.
Chất đống thực phẩm
Nếu tủ lạnh hơi bé so với mức sử dụng của gia đình, có thể bạn sẽ hơi vất vả khi sắp xếp đồ ăn vào tủ. Để khắc phục việc thiếu không gian, bạn nên cân nhắc xem thực phẩm nào có thể sử dụng sớm và không cần cất vào tủ, hoặc mua vài chiếc giá nhỏ đặt vào bên trong tủ để tối ưu hóa không gian. Tránh mua quá nhiều đồ một lúc cũng là điều cần lưu ý.
Cất đồ ăn thừa không đúng cách
Nếu bạn gọi đồ ăn về nhà và không ăn hết, đừng để phần thừa trong hộp xốp và cất vào tủ. Hãy chuyển chúng sang hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa tái sử dụng để tránh tạo mùi và bảo quản thực phẩm tốt hơn. Nhớ để hộp ở vị trí dễ nhìn trong tủ.
Bảo quản sữa ở cửa tủ lạnh
Cánh cửa là nơi có nhiệt độ cao nhất trong tủ lạnh, vì thế hãy dành cho những thực phẩm đã được xử lý kỹ và khó hỏng hơn như mứt, thạch hoặc nước sốt. Để sữa ở vị trí này sẽ khiến sữa dễ hư, đặc biệt nếu bạn có thói quen mua nhiều và để lâu.
Không dán nhãn hộp
Nếu thích sơ chế đồ ăn từ sớm để tiết kiệm thời gian nấu ăn, bạn nên trữ thành từng hộp riêng và dán nhãn ghi rõ thời điểm mua hay thời điểm nên sử dụng. Nhất là khi bạn trữ đồ ăn mà không dùng hộp trong suốt, việc này sẽ giúp ích rất nhiều.
Bảo Chi (Theo The Spruce)