1. Tập trung vào than phiền thay vì giải quyết
Đa phần các cuộc tranh luận nổ ra đều vì mọi người hay than vãn. Nhà thần kinh học Judy Ho, giáo sư tâm lý tại Đại học Pepperdine, Mỹ, đưa ra cách để những cuộc cãi lộn không xảy ra: Đầu tiên là phàn nàn những bực dọc của bạn, giải thích cảm giác của bạn cho đối phương hiểu và nhanh chóng chuyển qua giải pháp.
"Một khi bạn đã thành công trong giai đoạn giải quyết vấn đề, hãy thực hiện một cách tiếp cận hòa hợp. Cùng dành thời gian để suy nghĩ cách giải quyết vấn đề và đừng phán xét lẫn nhau", bà nói. Sau đó cả hai cùng đi đến một giải pháp chung và cam kết sẽ thử thực hiện.
2. Dùng nhiều từ "luôn luôn" và "không bao giờ"
Những phán xét như "Anh/em luôn luôn như thế", "Anh/em không bao giờ làm điều đó"... chỉ làm căng thẳng thêm tình hình. Lời nói trong lúc nóng vội vừa không đúng với người bị phán xét và cũng không phải là suy nghĩ thật của bạn.
Các câu này cũng đặt người bị nói vào thế phòng thủ. Thay vì lắng nghe những gì bạn nói, họ sẽ tập trung đưa ra ví dụ phủ nhận phán xét của bạn. Judy Ho khuyên nên "sử dụng các từ ngữ ôn hòa như "đôi khi, thi thoảng hay thường xuyên". Đây là một sự "xuống nước" để thảo luận thẳng thắn.
3. Sử dụng ngôi thứ 3 thay vì ngôi thứ nhất
Bạn dùng các từ "anh/cô" sẽ đặt người khác vào thế phòng thủ. Ví dụ bạn nói: "Anh làm hỏng...", "Anh khiến tôi..."
Tiến sĩ tâm lý Mark Mayfield, Mỹ giải thích những tuyên bố đổ lỗi này thường kích hoạt cơn nóng giận, bất cần của người khác và có thể làm xung đột leo thang.
Thay vào đó dùng các câu với chủ thể thứ nhất. Chẳng hạn "Anh/em cảm thấy nản lòng khi", "Anh/em cần"... Những câu nói này cho phép bạn thể hiện cảm xúc của mình, không đổ lỗi cho người khác và tập trung vào chính bạn. Hơn nữa, người kia không thể phủ nhận những tuyên bố về cảm giác. Họ cũng sẽ đồng cảm với bạn dễ dàng hơn nếu biết trong lòng bạn đang nghĩ gì.
4. Chờ nói thay vì chủ động lắng nghe
Mayfield nói: "Chực chờ được nói thay vì chủ động lắng nghe" là phản ứng thường xảy ra khi chúng ta nóng nảy. Chúng ta bám lấy một từ, một cụm từ và bắt đầu gia tăng sự phòng thủ của mình mà không nghe thấy toàn bộ những gì người kia nói. Sau đó chúng ta chỉ trả lời một phần và bỏ lỡ phần lớn nội dung. Điều này chỉ khiến cuộc cãi vã kéo dài và lập luận leo thang hơn.
Ông khuyên nên tập trung lắng nghe người khác mới, chú ý giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc của họ. Sau đó bạn lặp lại lời người đó, rồi thể hiện ý kiến của bạn và cùng đi đến một giải pháp.
"Chiêm nghiệm là một kỹ thuật trị liệu phổ biến để làm dịu tình hình. Ngoài ra việc 'tiêu hóa' quan điểm đối nghịch sẽ dễ dàng hơn khi ai đó nghe lại lời của chính họ", bác sĩ tâm thần Sudhir Gadh, New York nói.
5. Hít thở nông
Mayfield cho biết nhiều người thường hít thở nông khi tranh cãi. "Hít thở nông kích hoạt hệ thống chiến đấu hoặc đóng băng cơ thể bạn, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và sẵn sàng cho bạn chiến đấu hoặc trốn trách, thay vì suy nghĩ kỹ càng", chuyên gia này nói.
Ông khuyên nên thở sâu. Khi thở sâu sẽ hồi phục lưu lượng máu từ hệ thần kinh giao cảm. Máu lên não cho phép bạn suy nghĩ rõ ràng và sẵn sàng tham giao vào cuộc tranh luận một cách lý trí. Hít thở sâu cũng giúp bạn bình tĩnh.
6. Rời đi mà chưa có kết thúc tích cực
Ngay cả khi bạn đã đạt được một số tích cực trong cuộc tranh luận, cũng khó để rũ bỏ những cảm xúc bực tức trong lòng. Hãy bớt chút thời gian để tăng sự kết nối hơn nữa. Judy Ho khuyên, bạn có thể kết thúc bằng một vài câu khích lệ: "Anh/em đánh giá cao việc anh quan tâm, lắng nghe anh/em nói hôm nay", "Cảm ơn vì anh/em đã bộc lộ cảm xúc trung thực của mình".
Đôi khi có thể "chốt hạ" bằng một cái ôm, bắt tay, nụ hôn. Dù cách nào, người kia cũng sẽ đánh giá cao nỗ lực của bạn và thấy biết ơn, tôn trọng bạn.
Bảo Nhiên (Theo CNBC)