Theo cơ sở dữ liệu Our World In Data, tính đến 4/8, Malta đã tiêm chủng đầy đủ cho 88% dân số, với 91% dân số tiêm ít nhất một liều. Bỉ tiêm đầy đủ 61% và tiêm ít nhất một mũi cho 70% dân số. Tỷ lệ ở Tây Ban Nha là 60% và 70%, Bồ Đào Nha 59% và 70%, Đan Mạch 58% và 73% còn Ireland là 57,4% và 68%.
Những con số này sẽ gây áp lực lên chính phủ của Boris Johnson. Anh vốn có một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới nhưng đã chậm lại do nhiều người dân do dự về vaccine, với 57,3% dân số được tiêm phòng đầy đủ và 69% tiêm ít nhất một mũi. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của 27 quốc gia EU ban đầu gặp diễn ra chậm vì các vấn đề trì hoãn và thiếu hụt nguồn cung nhưng sau đó đã bứt tốc.
Tỷ lệ tiêm chủng tăng chậm ở mọi nhóm tuổi ở Anh, nhưng tỷ lệ thấp trong nhóm 18 - 29 tuổi (chủ yếu do suy nghĩ rằng người trẻ tuổi không chịu rủi ro cao) đã khiến các bộ trưởng nhiều lần bày tỏ lo ngại. Ước tính khoảng 33% nhóm người trưởng thành dưới 30 tuổi chưa tiêm mũi đầu tiên.
Lượng mũi tiêm trong một ngày ở Anh hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với một số quốc gia EU. Ngày 4/8, Pháp, nước có dân số tương tự Anh, tiêm 368.596 liều đầu tiên và 261.695 liều thứ hai, trong khi con số của Anh lần lượt là 33.304 và 165.669.
Giới chức cho rằng EU bứt tốc tiêm chủng chủ yếu nhờ nguồn cung vaccine Pfizer/BioNTech lớn đến vào tháng 4. "Quá trình bắt kịp đã rất thành công", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói hồi tuần trước.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên nghèo hơn như Romania và Bulgaria, với các dịch vụ y tế công cộng kém hơn so với những nước láng giềng giàu có như Đức và Hà Lan, vẫn chật vật triển khai chương trình tiêm chủng. Chỉ 26% dân số Romania và 15% dân số Bulgaria đã tiêm ít nhất một liều.
Phương Vũ (Theo Guardian)