Ông Trần Tất Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết khi ấy bác sĩ đã dừng tất cả 21 máy chạy thận tại khoa để cấp cứu 6 bệnh nhân có phản ứng bất thường và tìm hiểu nguyên nhân. Ba trường hợp nhẹ đã về nhà ngay trong đêm, 3 người còn lại dần ổn định sức khỏe. Ngày 31/7, hai trường hợp được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, để điều trị theo yêu cầu của người nhà.
Theo bác sĩ Thắng, hệ thống nước cung cấp cho các máy chạy thận tại bệnh viện được kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần. Lần gần nhất các máy này được kiểm tra nguồn nước là ngày 23/6. Các máy chạy thận đều trong thời gian đảm bảo tiêu chuẩn để hoạt động.
Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã mời các chuyện gia, kỹ thuật từ Bệnh viện Bạch Mai đến lấy mẫu nước, kiểm tra hệ thống lọc thận, song chưa có kết luận.
Sự cố dừng hoạt động các máy chạy thận làm khoảng 100 bệnh nhân có nhu cầu chạy thận hàng ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phải chuyển sang các bệnh viện khác trên địa bàn để tiếp tục chữa trị.
Chiều 1/8, bà Đặng Thị Trường (62 tuổi), một trong số 3 bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, kể khi ấy đang chạy thận thì bà cảm thấy choáng, sốt. Đây là lần đầu sau nhiều năm chạy thận bà Trường gặp hiện tượng như vậy.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, việc bệnh viện dừng hoạt động toàn bộ máy để xác định nguyên nhân sự cố là cần thiết.
"Sở yêu cầu bệnh viện kết luận nguyên nhân trong vài ngày tới để sớm vận hành trở lại hệ thống máy chạy thận", ông Chỉnh nói. Ông cũng cho biết việc các bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phải chuyển qua các bệnh viện khác không làm quá tải cho các viện.